SpStinet - vwpChiTiet

 

Máy phát điện chạy bằng nước?

Nhiều câu hỏi cần được làm rõ xung quanh công bố của tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê và cộng sự về sáng chế máy phát điện chạy bằng nước. Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết ngày 9-3 sẽ có hội thảo để thẩm định, đánh giá công trình này.
 
Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (trái) và cộng sự vận hành thử nghiệm máy phát điện chạy bằng nước - Ảnh: Đức Thiện

Đầu năm 2012, TS Nguyễn Chánh Khê - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM - và các cộng sự đã gây chấn động giới khoa học với việc công bố sáng chế chiếc máy phát điện chạy bằng nước có công suất 2.000W có thể đáp ứng nhu cầu điện năng cho một hộ gia đình.
Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin, rất nhiều người dân bày tỏ nguyện vọng được mua chiếc máy về dùng. Trong khi đó với giới khoa học, sáng chế này đã trở thành một vấn đề khoa học gây tranh cãi.

Băn khoăn về tính khả thi

Theo nhiều nhà khoa học, về lý thuyết có thể tách hydrogen từ nước rồi đốt hydrogen này tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, quá trình này rất khó khăn và phụ thuộc chất xúc tác sử dụng. Tuy nhiên, chất xúc tác này thường có giá rất cao nên nếu tính bài toán kinh tế thì không khả thi. PGS.TS Hoàng Dũng - trưởng ban khoa học công nghệ ĐHQG TP.HCM - cho biết có nhiều ý kiến nghi ngại và nhiều vấn đề cần TS Nguyễn Chánh Khê trình bày trước các nhà khoa học để làm rõ nguyên lý, hiệu suất của chiếc máy này bởi rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu ý tưởng này nhưng chưa có kết quả.
Theo ông Trịnh Quang Dũng - chủ tịch Hội đồng tư vấn năng lượng mới của các nước khu vực sông Mekong, đồng thời là trưởng phòng công nghệ điện mặt trời Viện Vật lý TP.HCM, những thông tin sơ bộ về chiếc máy phát điện này cho thấy nó hoạt động trên nguyên tắc giải phóng khí hydrogen từ nước, sau đó đốt hydrogen tạo thành điện. Ý tưởng phát điện từ việc tách hydro và cung cấp cho pin nhiên liệu không mới và rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu nhưng chưa nước nào thành công và mới dừng ở nghiên cứu khoa học. Trên thế giới người ta không nói phương pháp này sẽ tạo ra năng lượng giá rẻ và bao giờ có thể thương mại hóa vì chưa tính được bài toán kinh tế.
Nguyên lý này cũng tương tự như pin muối. Tuy vậy, hiệu suất thu được thấp và phải dùng biến tần để tăng hiệu suất. TS Khê chưa công bố các thông số kỹ thuật như máy phát công suất 2.000W dùng được bao lâu, dàn pin có dung lượng bao nhiêu nên rất khó để tính toán hiệu suất và giá trị kinh tế. Mặt khác, về mặt lý thuyết sản phẩm pin nào cũng gây ô nhiễm môi trường dù ít hay nhiều. Nếu sử dụng hóa chất để làm xúc tác thì chắc chắn có độc hại. Nếu công trình này là sáng chế lớn, TS Khê nên công bố ra thế giới và nếu có hiệu quả kinh tế thì sáng chế này có thể thu về nhiều triệu USD. Cũng theo ông Dũng, từ ý tưởng khoa học đến thực tế rất xa vời và việc tạo ra máy phát với hiệu suất lớn để làm ra điện cũng là một thách thức.
 

TS Khê giới thiệu máy phát điện chạy bằng nước sáng 14-1 tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Đức Thiện
Cần chất xúc tác

Theo phân tích của TS Giáp Văn Dương từ Singapore gửi về cho Khu công nghệ cao, điểm quan trọng nhất trong sáng chế “Máy phát điện chạy bằng nước” của TS Nguyễn Chánh Khê là hóa chất sử dụng trong phản ứng phân hủy nước, khi thì được mô tả là chất “phụ gia xúc tác”, khi lại là “chất khử nano”, khi là chất xúc tác nano, có vai trò khử nước thành hydro. Vậy đó là chất khử hay chất xúc tác?
Với phản ứng phân hủy nước, xét về mặt nhiệt động học là không thể tự xảy ra ở điều kiện thông thường. Do đó, bắt buộc phải dùng năng lượng bên ngoài để “cưỡng bức” cho xảy ra. Tuy nhiên, hình chụp hệ thống chiếc máy của TS Nguyễn Chánh Khê cho thấy hệ thống này không dùng bất cứ dạng năng lượng thường thấy nào như điện năng, nhiệt năng. Vậy khả năng còn lại là quang năng. Để sử dụng được quang năng, các bình chứa thường làm bằng thủy tinh, pyrex hoặc thạch anh... và trong suốt để tăng độ truyền ánh sáng. Nhưng các bình nhựa của hệ thống do TS Nguyễn Chánh Khê sáng chế là bình nhựa có màu xanh tím, có tác dụng như bộ lọc sắc, gây cản trở ánh sáng rất lớn. Vậy nếu chất xúc tác TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng là chất xúc tác quang, việc sử dụng bình nhựa như vậy là không khoa học.
Với chỉ một chút ánh sáng còn lại có thể truyền qua thành bình nhựa, chất xúc tác này có thể làm cho “bình nước sôi sục” cho thấy nếu đúng hóa chất được sử dụng là chất xúc tác, đây là một chất xúc tác cực mạnh, chưa từng biết. Một chất xúc tác như vậy quả là một “viên đá thần” và là giấc mơ của nhân loại. Ngoài ra, một trong những vấn đề làm đau đầu người làm nghiên cứu về xúc tác là “ngộ độc xúc tác”, tức là xúc tác bị mất hoạt tính do bị các chất bẩn hoặc chính sản phẩm của phản ứng hấp phụ lên bề mặt xúc tác. Trong trường hợp này, việc dùng nước bẩn, nước muối làm nguyên liệu như tuyên bố của TS Nguyễn Chánh Khê sẽ làm ngộ độc xúc tác nhanh chóng.
Những lập luận này cho thấy hóa chất mà TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng không thể là chất xúc tác được. Khả năng duy nhất còn lại: hóa chất được sử dụng là một chất khử, có khả năng phản ứng trực tiếp với nước để tạo khí hydro. Vậy hóa chất mà TS Nguyễn Chánh Khê sử dụng là gì? Điều này chỉ có TS Khê và cộng sự biết vì không được công khai đề cập trong bất kỳ bài báo nào. Tuy nhiên, việc dùng một hóa chất phản ứng trực tiếp với nước thường sẽ có chi phí khá đắt, chứ không thể “chỉ cần một chi phí nhỏ hơn 1.000 đồng” như TS Khê công bố.

Sẽ thẩm định

TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC), cho biết ngày 3-2-2012, ban quản lý KCNC đã đề nghị Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC yêu cầu TS Khê báo cáo cụ thể, đưa ra minh chứng về công trình này bởi việc phát ngôn công bố không tuân theo quy chế của KCNC, báo cáo này sẽ là cơ sở để ban quản lý có giải pháp xử lý, nếu thực thi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và ngược lại sẽ xử lý nghiêm túc. Bên cạnh đó, Ban quản lý KCNC cũng đã đặt hàng TS Khê một máy phát điện chạy bằng nước có công suất 2-5 kW để sử dụng thử nghiệm và đánh giá kết quả. Tuy nhiên, đến nay ban quản lý vẫn chưa nhận được trả lời từ TS Khê và Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC.
Cũng theo TS Lê Hoài Quốc, vào ngày 9-3 sẽ có một hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu triển khai KCNC với sự tham gia của Bộ Khoa học - công nghệ, KCNC, ĐHQG TP.HCM để đánh giá thẩm định công trình này.

 
Nguồn: Tuổi trẻ Online

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả