SpStinet - vwpChiTiet

 

Ảnh hưởng chất lượng lá của một số giống sắn đến năng suất, chất lượng kén và trứng giống tằm sắn

Trồng sắn (khoai mì) ngoài mục đích lấy củ, lá còn sử dụng để nuôi tằm sắn, đây là một sự kết hợp cho hiệu quả cao cùng với lợi ích kép trong nông nghiệp. Sử dụng lá sắn để nuôi tằm sắn nhằm tận dụng lượng lá sắn sẵn có mà không phải mất thêm đất đai và vốn đầu tư trồng trọt. Vì vậy nghề nuôi tằm sắn đã trở thành một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo của đồng bào miền núi.


Với sự phát triển của KH&CN, nhiều giống sắn có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao đã được trồng phổ biến trong sản xuất như các giống: KM140, KM98-5, KM98-1, SM937-26… (ở các tỉnh phía Nam), KM94, KM98-7, NA1…(ở các tỉnh phía Bắc), nhóm tác giả Nguyễn Thị Len, Phạm Xuân Thu và Lê Thị Thanh Huyền (Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng) đã tiến hành “Nghiên cứu ảnh hưởng chất lượng lá của một số giống sắn đến năng suất, chất lượng kén và trứng giống tằm sắn”.

Thông qua các thí nghiệm từ 5 giống sắn (KM94, KM98-7, KM60, KM21-12 và giống Xanh Vĩnh Phú), kết quả cho thấy: lá của các giống sắn này đều có thể được sử dụng làm thức ăn cho tằm sắn và mỗi loại sắn có ảnh hưởng đến năng suất kén, chất lượng trứng giống khác nhau. Nuôi tằm bằng lá của giống sắn KM94 cho kết quả tốt nhất so với giống đối chứng Xanh Vĩnh Phú, sức sống tằm nhộng tăng 5,6%, năng suất kén tăng 6,43%, khối lượng toàn kén tăng 3,88%, số ổ trứng đạt tiêu chuẩn tăng 9,21%, số quả trứng của một ngài cái tăng 6,59% và tỷ lệ quả trứng tốt tăng 6,46%. Tằm ăn lá của giống sắn KM21-12 và KM60 cho năng suất kén và chất lượng trứng giống tương đương với giống đối chứng. Đối với giống sắn KM98-7 cho năng suất kén và chất lượng trứng giống thấp hơn giống đối chứng (năng suất kén giảm 7,78%, sức sống tằm nhộng giảm 7%, ổ trứng đạt tiêu chuẩn, số quả trứng của một con ngài, tỷ lệ quả trứng tốt lần lượt thấp hơn là 6,64%, 4,42%, 4,5%).

Nghiên cứu đã xác định được ảnh hưởng chất lượng lá của một số giống sắn đang trồng phổ biến trong sản xuất đến năng suất chất lượng kén và trứng  giống tằm sắn. Điều này có ý nghĩa rất  thiết thực, góp phần thúc đẩy việc chăn nuôi tằm kết hợp trên diện tích trồng sắn trong sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: Tạp chí NN&PTNT, số 24/2015

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả