SpStinet - vwpChiTiet

 

Thuốc cản quang thường dùng trong chẩn đoán hình ảnh

Đề tài do 2 tác giả Bùi Văn Lệnh và Trần Công Hoan thực hiện. Cùng với những tiến bộ không ngừng của chẩn đoán hình ảnh, thuốc cản quang ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhất là loại tiêm mạch máu. Đặc điểm của thuốc, hiệu quả hình ảnh cùng tác dụng không mong muốn luôn được quan tâm nghiên cứu nhằm đạt kết quả tốt nhất trong chẩn đoán và điều trị.

Về tác dụng không mong muốn, ở thể nhẹ, thấy trong khoảng 3-4% các ca tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch, bệnh nhân buồn nôn, ngứa, nổi mẩn nhẹ… có thể tự hết sau một thời gian ngắn; thể vừa, thấy trong khoảng 0,4-1,5% các ca, bệnh nhân nổi mẩn lan rộng, phù thanh quản, khó thở, hạ huyết áp…, chỉ cần điều trị triệu chứng; thể nặng, gặp trong khoảng 0,06-0,1% các ca, bệnh nhân suy sụp tuần hoàn, đau thắt ngực kiểu như nhồi máu cơ tim, co giật, hôn mê…, nhất thiết phải điều trị tích cực. Về sự nhiễm độc, có 3 yếu tố gây nên tác dụng không mong muốn, đó là nhiễm độc hóa chất, do chính các phân tử thuốc cản quang; nhiễm độc thẩm thấu, có liên quan mật thiết với tính ưu trương của dung dịch thuốc cản quang và số lượng nguyên tử iode với số lượng các yếu tố vi lượng trong dung dịch…; nhiễm độc ion, tùy thuộc vào số lượng ion đưa vào quá mức và chức năng của các tế bào chịu trách nhiệm trao đổi ion…
Về các loại thuốc cản quang, người ta chia làm 4 loại thuốc cản quang chính tiêm mạch máu là thuốc đơn phân tử ion hóa, trùng hợp ion hóa, đơn phân tử không ion hóa và các thuốc trùng hợp không ion hóa. Các thuốc đơn phân tử ion hóa có tỷ lệ giữa các nguyên tử iode và các phân tử trong dung dịch là 1,5 nên các thuốc này có độ nhiễm độc thẩm thấu rất cao, nhiễm độc hóa chất cũng rất cao; các thuốc trùng hợp ion hóa có tỷ lệ giữa các nguyên tử iode và các phần tử trong dung dịch là 3 nên độ nhiễm độc thẩm thấu thấp hơn loại đơn phân tử ion hóa, độ nhiễm độc hóa chất cũng ít hơn; các thuốc đơn phân tử không ion hóa có độ nhiễm độc thẩm thấu tương tự loại trùng hợp ion hóa do tỷ lệ giữa số nguyên tử iode và số phân tử trong dung dịch là 3 nhưng mức độ nhiễm độc hóa chất thì ít hơn; các thuốc trùng hợp không ion hóa có độ nhiễm độc thẩm thấu ít do tỷ lệ giữa số nguyên tử và số phân tử trong dung dịch là 6, nhiễm độc hóa chất cũng ít do không có nhóm carboxyles mà chỉ có 9-12 nhóm hydroxyles.
Về các yếu tố nguy cơ, nếu các tác dụng không mong muốn thường không dự đoán trước được thì tiền sử bệnh tật lại cho phép xác định được nhóm bệnh nhân có nguy cơ có các tác dụng phụ của thuốc cản quang khi tiêm. Tác dụng không mong muốn có thể xảy ra ở bất kỳ lớp tuổi nào nhưng hiếm ở trẻ em, hay gặp ở tuổi 30, 40, 50…; tác dụng không mong muốn không phụ thuộc vào giới tính; có tới 68% bệnh nhân có cơ địa dị ứng trong khi ở người bình thường không có cơ địa dị ứng chỉ thấy khoảng 30%; trong sử dụng thuốc cản quang bắt buộc tiêm đường mạch máu thì tiêm đường tĩnh mạch có nguy cơ cao hơn hai lần đường động mạch…
Về sự phối hợp thuốc, với các thuốc ức chế beta, nguy cơ RPC tăng gấp đôi khi bệnh nhân có dùng thuốc ức chế beta…; với Hydralazine, ở những bệnh nhân đang điều trị bằng Hydralazine mà dùng thuốc cản quang tiêm đường mạch máu, có thể có biểu hiện các ổ hóa mủ lớn ngoài da ở vùng mặt và lưng sau khi tiêm thuốc cản quang khoảng 24 giờ; với interleukine (IL2) là sản phẩm thuộc hệ bạch huyết do tế bào lumpho T bổ trợ sản xuất (lymphokine), có những tác dụng phụ như sốt, thiếu máu, giảm thiểu cầu…; yếu tố tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, các tác giả thống nhất rằng ở động vật sự ức chế thần kinh tự chủ hoặc tác dụng phối hợp của các kích thích vùng dưới đổi và hệ thống viền làm thay đổi tỷ lệ chết…. Để hạn chế dự phòng và xử lý tác dụng không mong muốn, cần chú ý tìm hiểu kỹ tiền sử của bệnh nhân; tiêm thuốc cản quang khi người bệnh ở tư thế nằm, yên tâm, thoải mái; có thể dùng corticoide và các kháng sinh histamine type I trước kho tiêm thuốc cản quang có thể làm giảm nguy cơ phản ứng không mong muốn…; khi có tai biến dù nhẹ phải ngưng tiêm và theo dõi liên tục trong 15 phút đầu…
Về sử dụng thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính, thường sử dụng thuốc cản quang tiêm đường mạch máu; thuốc cản quang dùng qua đường tiêu hóa và thuốc cản quang dùng qua đường hốc tự nhiên hoặc lỗ rò, tất cả đều có liều dùng, chỉ định và chống chỉ định rõ ràng.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 10/2007)
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả