SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn GAP để sản xuất quả sơ ri an toàn

Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nghiệm thu đề tài Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn GAP để sản xuất quả sơ ri an toàn. Đây là đề tài khoa học thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây sơri vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Đề tài do Viện Cây ăn quả Miền Nam chủ trì, ThS. Nguyễn Hữu Hoàng  làm chủ nhiệm, nhằm nghiên cứu khảo sát hiện trạng canh tác, các vấn đề còn tồn tại để xây dựng mô hình, bổ sung và hoàn thiện quy trình sản xuất sơ ri theo hướng chất lượng và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhóm thực hiện đã tiến hành so sánh mô hình trồng mới giống sơ ri nhập nội so với giống sơ ri chua địa phương, kết quả cho thấy:

- Giống sơ ri nhập nội có đặc tính sinh trưởng và phát triển vượt trội so với giống sơ ri chua địa phương thể hiện qua đường kính tán (3,58 m) và đường kính thân (5,72 cm) cao hơn so với giống sơ ri chua địa phương.

- Giống sơ ri nhập nội có hình tán dạng cầu, tròn đều, số cành cấp 1 ít hơn và chiều cao cây (1,89 m) thấp hơn so với giống sơ ri chua địa phương giúp người nông dân dễ dàng kiểm soát được chiều cao cây dễ dàng và thuận lợi trong canh tác và chăm sóc.

- Năng suất của giống sơ ri nhập nội cao hơn gấp 3-5 lần so với giống sơ ri chua địa phương (4,13 kg/cây/năm - 19,79 kg/cây/năm). Đặc biệt giống sơ ri nhập nội không yêu cầu phải xử lý ra hoa như giống sơ ri chua địa phương. Tuy nhiên, việc khuyến cáo trồng giống sơ ri chua nhập nội; địa phương cần thận trọng và bố trí hài hòa với giống sơ ri chua của địa phương.

Nhóm thực hiện cũng tiến hành nghiên cứu các biện pháp, quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính ngoài đồng trên cây sơ ri, nghiên cứu độ chín thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch trái sơ ri đáp ứng yêu cầu GAP, từ đó bố trí, chọn lựa một số thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá BVTV có tính an toàn cao, đánh giá hiệu quả của thuốc trong phòng trừ trong giai đoạn trái phát triển. Từ các cơ sở dữ liệu xác định trên, đề tài đã hoàn thiện quy trình sản xuất trái sơ ri theo VietGAP áp dụng cho mô hình và chứng nhận VietGAP. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất cây sơ ri theo hướng chất lượng và an toàn theo GAP: từ mô hình 50 ha sơ ri sản xuất theo hướng GAP, mô hình sản xuất sơ ri của HTX sơ ri Gò Công xã Long Thuận thị xã Gò Công đã được tổ chức chứng nhận Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tiến hành thanh tra và hoàn tất hồ sơ cấp chứng nhận cho HTX gồm 26 hộ với diện tích 8,18 ha sơ ri chua địa phương và nhập nội vào ngày 11/11/2011.

Với  sự quảng bá thương hiệu sơ ri Gò Công và sự hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm sơ ri của Công ty TNHH Thịnh Phát góp phần hồi phục diện tích trồng cây sơ ri tăng cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng trồng cây sơ ri.
LV (TC Hoạt động KH, tháng 6/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả