SpStinet - vwpChiTiet

 

Ảnh hưởng của các biện pháp kích thích sinh sản lên các chỉ tiêu sinh sản của hầu Thái Bình Dương

Nhóm tác giả Lương Hữu Toàn (Cao học Nuôi trồng thủy sản 2010) và Lê Minh Hoàng (Viện Nuôi trồng thủy sản) thuộc Trường Đại học Nha Trang thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp kích thích sinh sản lên các chỉ tiêu sinh sản của hầu Thái Bình Dương (TBD) nhằm đánh giá và tìm ra biện pháp tối ưu nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất giống nhân tạo hầu TBD, đáp ứng nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm.

Hầu TBD (Crassostrea gigas Thunberg, 1793) là loại hải sản có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do là đối tượng được di nhập vào Việt Nam, nên nguồn giống hầu Thái Bình Dương (TBD) chủ yếu từ sản xuất giống nhân tạo. Nghiên cứu này được thực hiện tại trại sản giống hải sản Bến Bèo – Cát Bà – Hải Phòng từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2012. Nghiên cứu sử dụng 7 phương pháp kích thích sinh sản, thực hiện trên 15-30 cá thể hầu bố mẹ, mỗi phương pháp lặp lại 3 lần. Bể đẻ là bể composite có thể tích 0,5m3. Nước biển lọc sạch có độ mặn 30 ± 0,5‰, pH: 7,9 - 8,3.

Kết quả cho thấy, hầu có tỷ lệ đẻ cao nhất (40%) khi sử dụng phương pháp kích thích phơi khô kết hợp nâng nhiệt và phương pháp phơi khô kết hợp nâng nhiệt và dùng hóa chất (NH4OH). Sức sinh sản hữu hiệu của hầu cao nhất khi sử dụng phương pháp phơi khô và nâng nhiệt với 19.242.857 trứng/hầu cái. Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của hầu cao nhất khi sử dụng phương pháp nâng nhiệt (tương ứng là 95,3% và 92%).

Cần nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của các biện pháp kích thích lên các chỉ tiêu sinh sản của hầu TBD ở các thể tích lớn hơn; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp kích thích sinh sản lên chất lượng của ấu trùng giai đoạn sống phù du, sống đáy và con giống.
MN (nguồn: TC KH&CN Thủy sản – ĐH Nha Trang, số 2-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả