SpStinet - vwpChiTiet

 

Điều chế Gracillin từ thân rễ cây Bảy lá một hoa

Để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dược liệu và các sản phẩm từ cây Bảy lá một hoa tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm Cao Ngọc Anh (Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương); Đỗ Thị Hà, Nguyễn Thị Thu, Lê Thị Loan (Viện Dược liệu) và Thái Nguyễn Hùng Thu (Trường Đại học Dược Hà Nội) đã tiến hành điều chế và thiết lập chuẩn gracillin được phân lập từ thân rễ của cây Bảy lá một hoa.

Gracillin (diosgenin-3-O-β-D-glucopyranosyl-(I→3)-[α-L-rhamnopyranosyl-(I→2)]-β-D-glucopyranosid) được phân lập từ thân rễ của thứ Paris polyphylla var. chinensis và Paris polyphylla var. yunnanensis, có tác dụng gây chết tế bào trong dòng tế bào bạch cầu của người, gây độc tế bào đối với hầu hết các dòng tế bào GI50, TGI và LC50 ở mức micromolar, kháng ký sinh trùng Ichthyophthirius multifiliis ở nồng độ 4,5mg/L. Ngoài ra, gracillin còn có trong thành phần của dược liệu Bảy lá một hoa (Paris polyphylla var. chinensis Smith), một dược liệu được biết đến với các tác dụng dược lý như ức chế enzym tyrosinase và chống bệnh Leishmania, cầm máu trong bệnh chảy máu bất thường ở tử cung , kháng khuẩn, ức chế tổn thương ở dạ dày… đặc biệt là tác dụng chống ung thư và kháng khối u. Do đó, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình để chiết xuất, phân lập và tinh chế gracillin tinh khiết bằng kỹ thuật HPLC, đáp ứng được các yêu cầu về độ đặc hiệu, độ đúng, tính tuyến tính và độ chính xác.

Sau quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã thiết lập được chất chuẩn gracillin theo quy định tại các dược điển và quy định của ASEAN. Hàm lượng chất chuẩn có độ tinh khiết đạt 100,42% bằng sắc ký cột, độ không đảm bảo đo mở rộng U = ± 0,54% với hệ số phủ k = 2 ở mức tin cậy 95%. Có thể sử dụng chất chuẩn thiết lập được trong kiểm nghiệm chất lượng của dược liệu Bảy lá một hoa và các chế phẩm có chứa dược liệu này trên thị trường.

Đây là nội dung nghiên cứu được đăng trên tạp chí Dược học, số 518, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Định lượng đồng thời astilbin và emodin trong bài thuốc GK1 bằng phương pháp HPLC
  2. Nghiên cứu định lượng niken trong một số mẫu mỹ phẩm bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử
  3. Ngiên cứu khả năng ức chế enzym α-glucosidase của cao chiết từ thân củ sâm cau đỏ (Dracaena angustifolia Roxb.)
  4. Các hợp chất alcaloid phân lập từ cành và lá cây thâu lĩnh (Alphonsea tonkinensis A.DC.-Annonaceae)
  5. So sánh đặc điểm thực vật và thành phần hóa học cuarcaay bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa Willd.) và cây cỏ lưỡi rắn (Hedyotis corymbosa (L.) Lam.)

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả