SpStinet - vwpChiTiet

 

Mức độ ô nhiễm môi trường dưới mặt đất của bãi chôn lấp rác Đông Thạnh - TP.HCM

Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường dưới mặt đất của bãi chôn lấp rác Đông Thạnh  - TP.HCM bằng tài liệu địa vật lý gần mặt đất là kết quả hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) với hướng nghiên cứu có thể triển khai rộng rãi ở Việt Nam, không chỉ ở các bãi chôn lấp rác mà cả các khu chế xuất, khu công nghiệp khắp các địa phương.

Những bãi rác sau một thời gian chôn lấp thường gây ô nhiễm môi trường xung quanh, đặc biệt với môi trường của đất và nước ngầm. Bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM) là bãi rác lớn được chôn lấp thời gian gần đây. Để có cơ sở đánh giá mức độ gây ra ô nhiễm của bãi rác từ năm 2005 trở lại đây, nhóm nghiên cứu đã sử dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý, đo vẽ trên mặt để từng bước quan sát ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác đến đất và nước ngầm tại khu vực phía Bắc bãi rác.

Bãi rác Đông Thạnh cách TP.HCM 15km về phía Tây Bắc, bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 1988 để làm bãi rác chính cho thành phố và các vùng phụ cận. Bãi rác có diện tích 32ha, bên trong rác tích tụ cao 10-20m (cao hơn tường bao 3-4 lần). Nước thải tiết ra tập trung vào các hồ chứa rộng từ 12.000-17.000 mét vuông, sâu 4-5 mét. Đến cuối năm 2002 mới có một nhà máy xử lý nước thải, thoát ra Rạch Tra ở phía Bắc khu vực nghiên cứu khoảng 200m.

Dựa vào các thiết bị đang có ở Việt Nam và thông qua hợp tác quốc tế, tổ hợp các công nghệ sử dụng trong nghiên cứu gồm: công nghệ đo ảnh điện 3D bằng thiết bị SAS 4000, công nghệ đo GPR bằng Pulse Ekko 100, công nghệ đo điện từ theo miền tần số bằng GEM2, đo điện từ tần số rất thấp bằng VLV-Wadi và công nghệ đo điện trường tự nhiên SP.

Kết quả cho thấy khu vực ở độ sâu 10 mét, dài khoảng 80 mét, rộng khoảng 18 mét đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước ngầm ngấm từ bãi chôn lấp. Quá trình khảo sát sẽ được tiếp tục với khu vực nghiên cứu mở rộng và theo chu kỳ lặp lại để đủ cơ sở góp phần dự báo ô nhiễm môi trường dưới đất và xu hướng phát triển vùng ô nhiễm trong tương lai.
 
TN (nguồn: TC Các Khoa học về Trái Đất, số đặc biệt kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM (1993-2012))

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả