SpStinet - vwpChiTiet

 

Vinh danh sáng tạo Việt

Đêm chung kết Gala trao giải Nhà sáng chế 2013 phát sóng mới đây trên kênh VTV2 đã khép lại thành công với những giải thưởng xứng đáng được trao.
 
  

Nguyễn Long Uy Bảo với sáng chế Giường chống hoại tử. (Ảnh: VTV)

Theo đó, tác giả sản phẩm giường đặc biệt cho bệnh nhân bất động, là anh Nguyễn Long Uy Bảo (TP. HCM) đã đăng quang danh hiệu "Nhà sáng chế của năm" 2013.

Ngoài ra, top 5 sản phẩm đã được xướng tên đề cử danh hiệu "Nhà sáng chế của năm" 2013 trong chung kết chương trình này gồm có: Nhà nổi chống lũ của nhà sáng chế Phan Trọng Hoàn (TP. HCM); Cầu kéo xuồng ghe qua đập của hai nhà đồng sáng chế Đặng Ô Rê và Lê Văn Quân; Bẫy diệt chuột không cần mồi của ông Trần Quang Thiều (Hà Nội); Hố ga chống triều cường của anh Thân Thế Hào (TP. HCM).

Nhiều thiết kế mang tính nhân văn

Theo đánh giá của Hội đồng ban giám khảo hầu hết các sáng chế tham dự cuộc thi Nhà sáng chế 2013 đều có thiết kế đẹp, hoàn thiện, mang tính nhân văn cao và đặc biệt là ý tưởng sáng tạo.

Trước tiên phải kể đến sáng chế của tác gia Nguyễn Long Uy Bảo với chiếc “giường đặc biệt cho bệnh nhân bất động” có kết cấu hết sức thông minh là cơ cấu cài răng lược của các nan giường, sáng chế này giúp người chăm sóc có thể thay ga trải giường cho bệnh nhân thuận tiện dễ dàng mà không cần phải di chuyển người bệnh.

Không chỉ giảm đau đớn khi chuyển bệnh nhân, khả năng chuyển động của các nan giường còn giúp giảm nguy cơ hoại tử cho người bệnh khi không phải tiếp xúc quá lâu với một điểm hay nằm lâu ngày. Hiện sản phẩm đã được tác giả Nguyễn Long Uy Bảo bước đầu thương mại hóa.

Hay sáng chế “Nhà nổi chống lũ” của nhà sáng chế Phan Trọng Hoàn ở TP.HCM với cấu tạo chủ yếu của nhà lắp ghép là khung chịu lực bằng khung thép đặc chủng gồm cột, dầm, móng... liên kết với hệ thống phao nổi toàn bộ được đặt trên hệ móng đặc biệt;

kết cấu mái với hệ khung thép, lợp ngói nhựa trấu; toàn bộ tường bao che bên ngoài và tường ngăn giữa các phòng đều sử dụng gạch block nhựa trấu được liên kết với nhau không cần vữa trát; sàn được lát bằng ván sàn nhựa trấu trên hệ khung thép cố định, còn phần phía dưới nền nhà bố trí hệ thống phao nổi.

Tác giả của sáng chế “Nhà nổi chống lũ” cho biết ý tưởng giúp người dân vùng lũ Đb.Sông Cửu Long sống chung với lũ đã được ông ấp ủ 23 năm nay. Quan điểm của ông khác với quan điểm của nhiều người là những gia đình có điều kiện sống chung với lũ là những người khá giả, có tài sản lớn gắn với lũ nên ngôi nhà do ông thiết kế và chế tạo phải là ngôi nhà hiện đại, đẹp, có tuổi thọ cao.

Từ ý nghĩ đấy, ông cho rằng vấn đề cốt lõi là nhà phải được làm từ vật liệu nhẹ, có độ bền cao cả trong môi trường khô ráo cũng như ngập nước, chịu được phèn, mặn.

Ngoài ra còn phải kể đến sáng chế  “Hố ga chống triều cường của anh Thân Thế Hào” ngụ tại TP. HCM. Loại hố ga này có tuổi thọ khá cao, khoảng trên 30 năm và chỉ mất 15 - 30 phút thi công. Trong đó, các hố ga bình thường thì sau 1 thời gian sử dụng sẽ bị nứt khiến cho nước cống xâm nhập vào mạch nước ngầm.

Loại hố ga nhựa này được thay lắp khá dễ dàng. Hơn hết, loại hố ga này đã giải quyết được 2 bài toán khó là: phải thích nghi với mọi loại cốt nền; và khi triều cường lên đồng nghĩa với việc hệ thống nước thải công cộng đã quá tải, không thể xả nước ngập ra ngoài. Nhưng hố ga này đã xử lý được vấn đề đó. Bằng cách nào thì anh Hào không tiết lộ vì đó là bí mật kinh doanh...

Một giải pháp đơn giản nhưng lại có thể giúp ích cho hàng ngàn người mỗi năm vẫn phải sống chung với triều cường. Ban giám khảo cuộc thi Nhà sáng chế cho rằng đây thực sự là một giải pháp hay, và hoàn toàn có tính khả thi ứng dụng cho từng gia đình ở TP. Hồ Chí Minh.

Cũng trong chương trình này các giải phụ gồm: giải "Nhà sáng chế do khán giả bình chọn nhiều nhất trong năm" đã được trao cho anh Nguyễn Quang Huy (Hà Nội) với sáng chế thiết bị quay xe trong ngõ hẻm;

Giải "Triển vọng dành cho nhà sáng chế dưới 18 tuổi" đã được trao cho em Đặng Thị Ngọc Ánh (Thừa Thiên Huế) với sản phẩm giấy làm từ lá cây và Giải "Nhân văn" đã thuộc về sản phẩm "xe ba bánh dành cho người khuyết tật cả hai chân" của tác giả Lê Xuân Sinh (Thanh Hoá).

Khuyến khích tinh thần sáng tạo

Được biết chương trình Nhà sáng chế được mua bản quyền từ Đài truyền hình ABC của Úc, Nhà sáng chế đã khẳng định được hiệu quả trong việc lan tỏa tinh thần sáng tạo khoa học - công nghệ với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân, cũng như trở thành một chương trình khoa học - công nghệ thu hút người xem trên kênh truyền hình khoa giáo VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian qua.

Diễn ra trong gần một năm, Nhà sáng chế 2013 đã quy tụ rất nhiều tác giả ở nhiều độ tuổi, cũng như các tầng lớp xã hội khác nhau. Tác giả nhiều tuổi nhất đã hơn 70 tuổi và nhỏ tuổi nhất là một bạn học sinh lớp 11.

“Nhà sáng chế là chương trình tuyệt vời và là nơi để các sáng chế được đưa ra, giới thiệu trước công chúng. Bên cạnh đó, các nhà sáng chế có cơ hội được cọ xát và có thêm sự động viên, sáng tạo”- Nguyễn Huy Bình, sinh viên trường đại học FPT chia sẻ cảm xúc khi tham dự cuộc thi.

Mặc dù không được giải cao trong cuộc thi Nhà sáng chế năm 2013, nhưng với các nhà sáng chế trẻ tuổi, điều mà họ thu được nhiều hơn thế là được thỏa sức sáng tạo, thể hiện mình trên một sân chơi công nghệ hoàn toàn mới.

Mỗi người trong số họ đều làm những nghề nghiệp khác nhau từ người có học hàm tiến sĩ, đến giảng viên các trường đại học, những người nông dân và các bạn sinh viên, nhưng họ đều có điểm chung là yêu thích công nghệ và đam mê sáng tạo.

Ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa Giáo - Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: "Chương trình Nhà sáng chế như một trang sách mở ra mà không có hồi kết. Điểm khác biệt của chương trình này là những phát minh, sáng kiến của người dân Việt Nam thông qua lao động, không được đầu tư của nhà nước nên rất gần gũi với cuộc sống. Thực tế, đây là sân chơi, để những người dân bình dị nhất đến những nhà khoa học.”

Về chương trình Nhà sáng chế 2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân hoan nghênh ý nghĩa thiết thực của chương trình và cho rằng:

“Đây là bước đi đầu tiên để mọi người trong xã hội quan tâm tới cải tiến, sáng kiến và tiến tới là sáng chế, góp phần thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam trong việc hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả