SpStinet - vwpChiTiet

 

Khảo sát thành phần dinh dưỡng của rong bún (Enteromorpha intestinalis) ở thủy vực nước lợ tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng

Trong nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh (Trường ĐH Cần Thơ) đánh giá ảnh hưởng của các giai đoạn phát triển và độ mặn khác nhau đến thành phần sinh hóa của rong bún (Enteromorpha intestinalis) nhằm cung cấp thông tin về việc sử dụng thích hợp loài rong này trong các lĩnh vực khác nhau.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, rong bún xuất hiện tự nhiên với sinh lượng cao trong các thủy vực nước lợ ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Rong bún không những có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thức ăn cho các loài thủy sản và con người, mà còn có vai trò lọc sinh học làm giảm sự ô nhiễm môi trường trong thủy vực nuôi thủy sản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phần sinh hóa của rong bún thay đổi theo giai đoạn phát triển, trong đó thành phần dinh dưỡng của rong non và rong trưởng thành tương tự nhau và cả hai có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với rong già. Rong bún bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường sống như nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng chất dinh dưỡng trong thủy vực. Rong bún phát triển trong thủy vực giàu dinh dưỡng thì có hàm lượng protein cao.

ở Sóc Trăng, mẫu rong bún được thu ở 3 khoảng độ mặn gồm 1-2 ppt, 5-6 ppt và 10-12 ppt; kết quả cho thấy, tỷ lệ tươi/khô của rong bún giảm theo sự tăng độ mặn, ngược lại hàm lượng lipit và tro tăng theo độ mặn, các thành phần khác (protein, xơ và hydrocacbon) ít thay đổi. Hàm lượng tổng axit amin của rong thu ở độ mặn 1-2 ppt và 5-6 ppt tương tự nhau và có giá trị cao hơn mẫu rong thu ở độ mặn 10-12 ppt.

Đối với mẫu rong bún ở Bạc Liêu, ở 4 khoảng độ mặn 10-12 ppt, 15-17 ppt, 20-22 ppt, 25-27 ppt, kết quả tỷ lệ tươi/khô, hàm lượng lipit và tro có cùng khuynh hướng với mẫu rong thu ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, hàm lượng protein thay đổi khác nhau, giá trị thấp nhất và cao nhất được tìm thấy ở độ mặn 15-17 ppt và 25-27 ppt, nhưng ở khoảng độ mặn 10-12 ppt và 20-22 ppt, rong bún có hàm lượng protein gần như nhau, hàm lượng hydrocacbon giảm theo sự tăng độ mặn. Hàm lượng protein của rong bún có mối tương quan thuận với hàm lượng dinh dưỡng trong thủy vực.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, kỳ 1, tháng 6/2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả