SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thuần siêu cao sản cho các tỉnh phía Bắc

Những năm gần đây, việc đô thị hóa diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ dẫn đến diện tích đất canh tác càng ngày càng bị thu hẹp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản suất lúa gạo ở nước ta. Vì vậy Đảng và Chính phủ đã ra các nghị quyết phải giữ được diện tích canh tác lúa đến năm 2020 là 3,6 triệu ha. Tuy nhiên nếu dân số hiện nay ở nước ta là 93 triệu người và đến năm 2030 sẽ là 100 triệu người thì nhu cầu tiêu dùng lúa gạo lại tăng lên đáng kể. Mặt khác do tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp: mưa bão, lũ lụt, hạn hán, dịch hại sâu bệnh, đất nhiễm phèn mặn, ngày càng tăng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng thì vấn đề an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, vùng Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao nhất cả nước, mật độ trung bình 1.238 người /km2, tốc độ đô thị hóa mạnh dẫn đến diện tích trồng lúa giảm mạnh. Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc địa hình dốc, không bằng phẳng, hạn hán thường xuyên, tập quán canh tác du canh du cư dẫn đến canh tác lúa khó khăn. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió Lào khô nóng, địa hình hẹp dốc lớn, mưa ít nhưng lụt lội thường xuyên dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực cho các vùng này cần có bộ giống lúa năng suất cao, chất lượng khá, gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Vì vậy việc nghiên cứu chọn tạo ra các giống lúa có năng suất siêu cao, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng đối với các biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết.

Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Nguyễn Văn Tuất cùng nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thuần siêu cao sản cho các tỉnh phía Bắc” với mục tiêu chọn tạo được giống thuần siêu năng suất từ 8-10 tấn, chất lượng khá, chống chịu sâu bệnh hại chính thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, góp phần đa dạng hóa các giống lúa và bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia.

Sau thời gian nghiên cứu Đề tài đã có được những kết quả như sau:

1/ Đã tiến hành thu thập, duy trì, đánh giá, khai thác 1.800 mẫu giống nguồn gen lúa trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015.

2/ Đã đánh giá 11537 nguồn vật liệu phân ly từ nguồn gen lúa, từ thế hệ F2 trở lên trong giai đoạn trước, đã lai tạo được 621 tổ hợp lai đơn, lai hữu tính.

3/ Đã đánh giá chọn lọc được 17.588 dòng, giống theo mục tiêu năng suất cao, chống chịu tốt, chất lượng gạo khá.

4/ Đã khảo nghiệm quốc gia 11 giống lúa Gia Lộc 201, Gia Lộc 202, Gia Lộc 203, NPT-3, SL1, SL2, SL3, SL4, SL5, SL6, SL7.

Đã được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử 02 giống lúa Gia Lộc 202 (được chọn từ tổ hợp lai Peiai64s/Q5//DT37), NPT-3 (gây đột biến từ ĐH18) cho năng suất vụ xuân trên 10 tấn/ha, kháng bệnh bạc lá (điểm 1-3), rầy nâu (điểm 3), đạo ôn (1-3), hàm lượng amylose<25%.

Đã chọn lọc được 5 dòng, giống lúa Gia Lộc 201, SL1, SL2, SL3, SL4 cho năng suất vụ xuân trên 10 tấn/ha, kháng bệnh bạc lá điểm 1-3, rầy nâu (điểm 1-3), đạo ôn (1-3), hàm lượng amylose<24%.

5. Đã xây dựng quy trình canh tác cho 02 giống lúa mới Gia Lộc 202, NPT-3.

Quy trình canh tác giống lúa Gia Lộc 202: 140 N + 90 P2O5 + 80 K2O, kết hợp phương thức cấy hàng rộng, hàng hẹp với mật độ 30 khóm/m2 trong vụ xuân, 120 N + 90 P2O5 + 80 K2O, kết hợp phương thức cấy hàng rộng, hàng hẹp với mật độ 30 khóm/m2 trong vụ mùa.

Quy trình canh tác giống lúa NPT-3: 120 kgN + 90kg P2O5 + 90kg K2O, cấy mật độ 35 khóm/m2 trong vụ xuân. 90 kgN + 90kg P2O5 + 90kg K2O, cấy mật độ 30 khóm/m2 trong vụ mùa.

6/ Đã Xây dựng mô hình trình diễn cho 02 giống lúa mới Gia Lộc 202, NPT-3, quy mô 3 mô hình/giống, 5ha/giống/mô hình cho năng suất vụ xuân là 10 tấn/ha.

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả