SpStinet - vwpChiTiet

 

Khả năng kháng oxy hóa và kích thích miễn dịch của bài thuốc Nam Địa Long trong điều trị ung thư

Với mục đích tìm kiếm các bằng chứng khoa học cho tác dụng kích thích miễn dịch và kháng oxy hóa của bài thuốc y học cổ truyền Nam Địa Long, nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỹ Nương, Bùi Thị Như Ngọc, Nguyễn Thái Hoàng Tâm (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về khả năng hỗ trợ điều trị ung thư của bài thuốc trên mô hình chuột bị suy giảm miễn dịch bởi chất hóa trị cyclophosphamide (CY).

 

Hiện nay, hai phương pháp xạ trị và hóa trị phổ biến trong điều trị ung thư luôn gây ra nhiều tác dụng phụ, làm cơ thể người bệnh suy yếu, đau đớn và suy nhược nghiêm trọng. Ngoài việc tiêu diệt các tế bào ung thư, các phương pháp này còn tiêu diệt luôn những tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là các tế bào như tủy xương, miễn dịch, niêm mạc ruột, tóc… Thêm vào đó, việc sử dụng hóa chất trị liệu trong thời gian dài có thể khiến cơ thể bệnh nhân kháng thuốc, dẫn đến suy giảm hiệu quả điều trị ung thư.   

Bài thuốc y học cổ truyền Nam Địa Long (bao gồm các thành phần như địa long, đậu đen, đậu xanh và bồ ngót) thường được dân gian sử dụng trong điều trị các bệnh viêm khớp, động kinh, ung thư… Do các tác dụng phụ tiêu cực của phương pháp xạ trị và hóa trị, nhiều bệnh nhân đã sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền như Nam Địa Long làm liệu pháp thay thế trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu hay công bố khoa học nào về hiệu quả điều trị của bài thuốc này. Vì vậy, việc khảo sát các tác động độc tế bào ung thư, kháng oxy hóa và kích thích miễn dịch của bài thuốc Nam Địa Long là rất cần thiết.

Kết quả cho thấy, bài thuốc Nam Địa Long có tác động kích thích miễn dịch dựa trên tăng sinh tế bào miễn dịch, đồng thời làm giảm các tác hại gây ra bởi stress oxy hóa, cụ thể như: ngăn chặn được sự sụt giảm trọng lượng cơ thể, cải thiện phần trăm trọng lượng lách và tuyến ức của chuột bị tiêm 150mg CY/kg thể trọng; kích thích tăng sinh bạch cầu tổng (42-44%), bạch cầu lympho (48-53%), đặc biệt là lympho TCD4 (34-43%) và lympho TCD8 (35-46%); ngăn chặn quá trình peroxy hóa lipid do tác động sản sinh gốc tự do của CY; làm tăng mức độ kháng oxy hóa nội bào và hiệu quả của các enzyme kháng oxy hóa SOD2 và CAT.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả