SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu, đánh giá biến dị di truyền phục vụ chọn giống nâng cao tốc độ sinh trưởng cá giò (Rachycentron canadum)

Cá giò (Rachycentron canadum) là đối tượng có vị trí quan trọng trong nuôi trồng hải sản không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Cá có tốc độ sinh trưởng cao, sức sống tốt. Trong vòng 1 năm cá có khối lượng dao động 3-6kg. Nguồn thức ăn là cá tạp hoặc thức ăn tổng hợp nên có khả năng sử dụng cho nhiều mô hình nuôi. Sản phẩm thịt cá giò có hàm lượng cao các acid béo không no, mầu sắc bắt mắt và sản phẩm thương mại phong phú nên được nhiều thị trường ưa chuộng.

Do trọng lượng cá giống có khả năng sinh sản lớn (>7kg), rất khó giữ được một quần thể đàn cá bố mẹ với số lượng lớn, nên việc xây dựng phát triển đàn cá giống gặp nhiều khó khăn hơn nhiều so với các giống cá khác. Hơn nữa, cá giò là đối tượng có sức sinh sản cao, chu kỳ sinh sản của nó thường là 1-2 lần/năm và quá trình già hóa giống cá bố mẹ diễn ra nhanh, thường chỉ sau 3,4 năm là sẽ giảm khả năng sinh sản.

Tại Việt Nam, sản xuất giống cá giò đã từng bước được cải thiện trong thời gian qua, nhưng mới chỉ phát triển trong phạm vi hẹp, với số lượng hạn chế, tỷ lệ sống của cá ương thấp, tốn nhiều thức ăn nuôi dưỡng cá. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng tiến bộ di truyền phân tử để đánh giá mức độ đa dạng di truyền, xây dựng nguồn vật liệu đàn bố mẹ thủy sản, phát huy các tính trạng có lợi cho phẩm giống trong thời gian gần đây, đã tạo ra được hiệu quả lớn trong việc nâng cao chất lượng giống và sản lượng thủy sản.

Trên cơ sở những giá trị thực tiễn cũng như nhận thức tầm quan trọng của giống cá giò cho phát triển nuôi hản sản và nuôi xa bờ, nhóm nghiên cứu do ThS. Đỗ Xuân Hải, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá biến dị di truyền phục vụ chọn giống nâng cao tốc độ sinh trưởng cá giò (Rachycentron canadum)” nhằm phát triển bền vững giống cá giò trong chăn nuôi hải sản và hoàn thiện được công nghệ sản xuất giống và xây dựng nguồn vật liệu ban đầu có biến dị di truyền cao làm cơ sở cho việc cải thiện chất lượng giống cá giò (Rachycentron canadum Linnaseus, 1766). Đây là đề tài nằm trong đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các nội dung nghiên cứu chính bao gồm: tổng quan nghiên cứu về sản xuất giống cá giò (Rachycentron canadum) trên thế giới và ở Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng di truyền trong nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá giò; đánh giá biến dị di truyền của ba đàn cá bằng các chỉ thị phân tử (RFLP, ASFLP và microsatellite); đánh giá sinh trưởng và sức sống của ba đàn cá giò khác nhau; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống phục vụ chọn giống; đánh giá đa dạng di truyền, sinh trưởng và tỷ lệ sống phục vụ xây dựng nguồn vật liệu chọn giống.

Từ các nội dung nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tạo ra số lượng cá giống 40 ngày tuổi thực tế đạt được là 52.000 con, tỷ lệ sống là 6-10%, chiều dài thân cá là 8-9cm; Số lượng cá giò hậu bị đạt 360 con, khối lượng 8-10kgm tỷ lệ giới tính là 1:1; xây dựng và hoàn thiện được quy trình sản xuất giống cá giò trong điều kiện an toàn sinh học với 8 chỉ thị microsatellite cho phân tích biến dị di truyền cá giò với tỷ lệ sống của cá giống đạt trên 8%, cá giống có sức khỏe tốt, không nhiễm KST sán lá song chủ. Đây cũng là lần đầu tiên đánh giá biến dị di truyền phân tử, bộ chỉ thị phân tử trên đối tượng cá giò của Việt Nam, vì vậy sẽ là cơ sở khoa học cho việc thực hiện các nghiên cứu trên đối tượng cá giò và các đối tượng cá biển kinh tế khác và cũng là lần đầu tiên một cơ sở nghiên cứu tập hợp được một quần đàn cá giò hậu bị phong phú, đa dạng về nguồn gốc, sai khác về di truyền,...

Như vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần hoàn thiện cải tạo, nâng cao chất lượng giống cá giò sử dụng cho nuôi trồng hải sản, có hiệu quả lớn hơn so với các quy trình cùng loại. Riêng bộ chỉ thị phân tử và kết quả đánh giá biến dị di truyền cá giò sẽ là cơ sở để các nghiên cứu tiếp theo ứng dụng cho nghiên cứu về di truyền trên một số đối tượng cá biển có giá trị kinh tế khác. Thành công trong việc sản xuất giống cá giò trái vụ trong điều kiện khí hậu miền Bắc giúp việc sản xuất giống cá giò trở nên chủ động, kịp thời vụ, đảm bảo số lượng và chất lượng con giống cung cấp cho người nuôi. Sản phẩm cá giống có chất lượng tốt, số lượng cao, giúp ổn định thị trường giống cá biển, thúc đẩy nghề nuôi cá giò thương phẩm của Việt Nam. Hiệu quả thực tế cho thấy cá giò giống rẻ hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/ con so với sản phẩm giống cá giò cùng loại.
Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả