SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy nổ đối với ô tô và xe máy 

Đề tài độc lập cấp nhà nước do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu (Bộ Công thương), Viện cơ khí động lực (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sửa chữa thực nghiệm ô tô (ĐH GTVT) thực hiện trong năm 2012.
 
 Cháy xe Attila Elizabeth tháng 9/2011 tại Bắc Giang. (Ảnh: VnExpress)

Trong thời gian 6 tháng, các tác giả thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát, điều tra thông tin liên quan đến nguyên nhân cháy, nổ ô tô, xe máy tại một số cơ sở sản xuất, bảo dưỡng; người sử dụng; và rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, sản xuất lắp ráp có ảnh hưởng đến cháy nổ.

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu về kết cấu, đặc tính hệ thống của phương tiện, đồng thời tiến hành thử nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của quá trình vận hành đến nguyên nhân gây cháy, nổ. Thông tin về cách thức pha chế, tình hình sử dụng nhiên liệu tại Việt Nam cũng được thu thập bằng cách phân tích thành phần và chỉ tiêu chất lượng các mẫu nhiên liệu, mẫu muội ống xả của phương tiện...

Nhóm đề tài đã xác định một số kết quả bước đầu:

1. Nguyên nhân gây cháy nổ từ phía người sử dụng phương tiện giao thông: chưa sử dụng xe đúng cách; chưa có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ; tự ý thay đổi kết cấu xe; ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của phụ tùng thay thế; sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc; tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm xăng...

2. Đánh giá cụ thể nguy cơ gây cháy nổ từ kết cấu hệ thống điện bị chập, hệ thống dẫn nhiên liệu rò rỉ, hệ thống tản nhiệt làm mát và hệ thống xả khí của động cơ phát nhiệt cao trong điều kiện vận hành thực tế và khi xe gặp sự cố.

3. Về nhiên liệu và phụ gia:
  • Nhiên liệu chính ngạch, đạt tiêu chuẩn, không chứa các cấu tử khác hydrocacbon, khác các phụ gia thông dụng; không phải là thủ phạm gây cháy xe.
  • Nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON đối với xăng (A83, naphtha condensat được pha chế để gian lận thành A92, A95); diesel 0,05S  chất lượng tốt phối trộn với diesel 0,25S hoặc diesel từ quá trình tái chế dầu phế thải, dầu nhờn, cặn dầu có thể làm tăng nguy cơ cháy xe.
  • Hầu hết phụ gia tiết kiệm nhiên liệu đều không có hiệu quả như quảng cáo. Sử dụng phụ gia có chứa hợp chất của Fe và/hoặc Mn tùy tiện có thể làm tăng nguy cơ cháy.
Kiến nghị và khuyến cáo của nhóm tác giả đề tài đối với cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng phương tiện:
  • Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn đối với phương tiện giao thông; nên xóa bỏ xăng A83; xem xét đầu tư chế biến condensat bằng hóa học chứ không nên cho phép dùng naphtha condensat pha trực tiếp vào xăng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhiên liệu và quá trình chế biến dầu nhờn thải, cặn dầu để pha chế nhiên liệu.
  • Đối với người sử dụng phương tiện, quan trọng nhất là sử dụng đúng cách, bảo dưỡng xe định kỳ; không tự ý thay đổi kết cấu xe; phụ tùng thay thế phải rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ; thận trọng khi lái xe qua khu vực phơi nhiều rơm/rạ; không mua nhiên liệu ở nơi không đáng tin cậy hoặc sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường.
TN (Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt nam, số 2+3/2013)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả