SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đủ sức đạt đẳng cấp quốc tế

Nhân lực CNTT Việt Nam có khả năng tư duy cực tốt, hoàn toàn có thể sáng tạo nên những kết quả tuyệt vời trong việc ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại báo cáo tham luận với chủ đề "Hình thành mạng lưới các trường - viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI)" trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) - Ngày hội khởi nghiệp Vùng 2020 - Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) vừa diễn ra tại TP.HCM, PGS.TS Trần Minh Triết (ĐHQG TP.HCM) cho biết, nền tảng của kinh tế tri thức số bao gồm tầng cơ sở, tầng dữ liệu và tầng AI. Trong đó, vấn đề thu thập dữ liệu là cốt lõi trong quá trình ứng dụng AI.

Theo PGS.TS Trần Minh Triết, quá trình thu thập dữ liệu có khả năng diễn ra một cách tường minh hoặc ngầm bên dưới, thông qua các hệ thống, thiết bị giám sát, những ứng dụng có khả năng được đeo trên cơ thể con người để ngầm ghi nhận các thông tin trong cuộc sống hàng ngày, cũng như thông qua tất cả những tiện ích mà con người sử dụng cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng là nguồn dữ liệu đó cần được thu thập, lưu trữ và phải được xử lý để đưa ra tri thức mới.

PGS. TS Trần Minh Triết trình bày tham luận tại sự kiện.

Việc sử dụng những nền tảng hỗ trợ cho giáo dục trực tuyến đã được sử dụng rất hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng mà không thu thập lại những thao tác, những tương tác và cả những cảm xúc cũng như kết quả đạt được của người học trong quá trình tương tác và học trực tuyến, thì chính là đang bỏ phí một nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng để từ đó có thể tối ưu hóa quá trình đào tạo và cá thể hóa được nội dung đào tạo với từng người học. Bởi vì, giáo viên không thể nắm bắt được sự mệt mỏi, hứng khởi hay thích thú của người học, còn hệ thống quan sát bằng camera có đủ khả năng ghi nhận, phân tích và phản hồi lại tất cả cảm xúc, trạng thái, để bộ phận giáo vụ có cơ sở điều phối lại hoạt động giảng dạy nhằm thu hút người học.

PGS.TS Trần Minh Triết cho rằng, nếu biết tận dụng được những thông tin, tri thức cần thiết trong nền kinh tế số thì hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị rất lớn. Các quốc gia đều hình thành chiến lược phù hợp để phát triển một cách hiệu quả về việc ứng dụng AI để phục vụ các lĩnh vực khác nhau, không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực an ninh quốc phòng mà còn phục vụ các vấn đề về xã hội.

Ví dụ, chiến lược “AI Recomme (Pháp, tháng 3/2018) thúc đẩy việc tạo ra dữ liệu và hệ sinh thái AI, công nghiệp hóa các lĩnh vực chiến lược, giải quyết vấn đề việc làm và chuẩn mực đạo đức trong AI; chiến lược “AI Sector (Anh, tháng 4/2018) đề xuất 5 chính sách liên quan đến AI, thu hút các công ty AI toàn cầu, nuôi dưỡng các tài năng AI, tạo môi trường kinh doanh; chiến lược “AI made in Germany” (Đức, tháng 11/2018) đề cập khả năng cạnh tranh công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp 4.0, thúc đẩy đào tạo nghề, cải cách thể chế để đáp ứng với những thay đổi của thị trường lao động; chiến lược National Strategy for AI (Hàn Quốc, tháng 3/2020) đề cập con người là đối tượng trọng tâm, vừa là tác nhân tạo hình vừa là đối tượng thụ hưởng, còn các mũi nhọn chiến lược đều xoay quanh hệ sinh thái AI khép kín.

Đa phần những chiến lược phát triển AI của các quốc gia kể trên đều hướng đến mục tiêu giúp cuộc sống con người được tốt hơn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp thay đổi được thị trường lao động, xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức về AI.

Điều đáng mừng là nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay có ưu thế là khả năng tư duy cực tốt, nên với kiến thức nền tảng vững chắc thì hoàn toàn có thể sáng tạo nên những kết quả tuyệt vời trong việc ứng dụng AI ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo đạt đẳng cấp quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì thế, PGS.TS Trần Minh Triết nhấn mạnh, vai trò của giáo dục – đào tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được tập trung quan tâm. Ngay cả với các bạn học sinh, sinh viên hay những người đã ra trường hoặc đã đi làm việc, thì những nội dung liên quan đến tri thức về AI cũng như những kỹ năng, kinh nghiệm ứng dụng AI để phục vụ cho cuộc sống cũng là tri thức cần được cập nhật, đổi mới liên tục.

Do đó, vấn đề giáo dục đào tạo không chỉ dừng lại trong giai đoạn đang được đào tạo trong nhà trường, mà còn phải tính cả đến những quá trình đào tạo ngoài nhà trường để giúp nguồn nhân lực CNTTcó khả năng tiếp cận những nguồn tri thức mới, những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng trong cuộc sống và đặc biệt là có khả năng kiên kết được nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau bởi vì lĩnh vực AI đã được sử dụng như một công cụ và chỉ phát huy được công dụng khi có sự kết hợp với những kiến thức chuyên môn các lĩnh vực khác nữa.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả