SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ và thiết bị tiêu biểu tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014

Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 được tổ chức nhằm giới thiệu các công nghệ và thiết bị thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến và đóng gói nông sản sau thu hoạch đến các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.


Sự kiện thu hút được sự quan tâm của các Viện nghiên cứu, trường đại học, sở KH&CN và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở TP.HCM, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để góp phần hỗ trợ gắn kết giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 giới thiệu  một số công nghệ và thiết bị tiêu biểu như:

Giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo cho ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước với tổng sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 25 triệu tấn, chiếm khoảng 55% tổng sản lượng lúa của cả nước. Xuất khẩu gạo trung bình hằng năm của cả nước từ 7 đến 8 triệu tấn, trong đó ĐBSCL đóng góp đến 90-95%. Sản xuất lúa của ĐBSCL trong những năm gần đây có những bước phát triển đáng khích lệ, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mặc dù vậy, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý và thiếu tính ổn định. 
Để giải quyết vấn đề trên, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP) đưa ra các giải pháp sau thu hoạch góp phần phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo ĐBSCL.
Chuỗi cung ứng lúa gạo bao gồm một quy trình công nghệ hợp lý theo thứ tự các công đoạn như sau: tạo giống, canh tác (gieo trồng và chăm sóc), thu hoạch, làm khô, bảo quản, xay xát-chế biến và tiêu thụ. Trong chuỗi của các công đoạn này, chất lượng của sản phẩm tại đầu ra của mỗi công đoạn không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của chính công đoạn đó, mà còn phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của tất cả các công đoạn đã được tiến hành trước đó. Ví dụ, mặc dù được bảo quản với công nghệ tiên tiến, hạt lúa không thể có được chất lượng tốt, độ thu hồi gạo trắng và tỉ lệ gạo nguyên trong xay xát sẽ không thể cao nếu trước đó hạt lúa không được sấy đảm bảo chất lượng (như nhiệt độ sấy hay tốc độ sấy quá cao gây rạn nứt ngầm), hoặc độ ẩm hạt còn cao hơn 13-14% mà lại đưa vào bảo quản. Ngược lại, một công nghệ lạc hậu, không đạt yêu cầu của bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi cũng có thể gây tổn hại, thậm chí làm hủy hoại hoàn toàn những thành quả có được của những công đoạn đã được tiến hành trước đó. Tóm lại, để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là hai công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm để cải tiến và phát triển trong quá trình sản xuất lúa gạo.

  

Máy sấy tĩnh vỉ ngang đảo chiều gió, năng suất 30-50 tấn/mẻ

 
Kho chứa sá cho gạo

Chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo 

 

Các sản phẩm chế biến từ lúa gạo

Ngoài một số sản phẩm truyền thống được chế biến từ lúa gạo như: bột gạo, bún gạo, bánh tráng gạo, mì gói, rượu gạo…, gạo còn được chế biến ra nhiều loại thức ăn nhanh, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng cho con người.

Nội dung chi tiết của giải pháp này sẽ được TS. Phạm Văn Tấn - Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP) trình bày vào lúc 9 giờ sáng Thứ Năm ngày 17/07/2014 tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014. 

 Công nghệ bảo quản trái bơ và sản phẩm chế biến từ trái bơ


Những năm gần đây, bơ đã trở thành loại trái cây được nhiều người ưa chuộng bởi trong trái bơ có nhiều dưỡng chất có ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đặc tính của trái bơ là rất nhanh chín và dễ hư hỏng. Vì vậy, việc bảo quản trái bơ và sản phẩm chế biến từ trái bơ đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với các vùng trồng nhiều bơ như Lâm Đồng,  Đắk Lắk, Đắk Nông... Phân viện Công nghệ Thực phẩm đã nghiên cứu thành công công nghệ bảo quản trái bơ và sản phẩm chế biến từ trái bơ. Công nghệ này có thể bảo quản trái bơ tươi trong thời gian hơn 02 tuần ở nhiệt độ 15 độ C, bảo quản cơm bơ nguyên chất (pure bơ) trong thời gian 01 năm. 
 
Công nghệ màng để cô đặc nước dứa




Đây là đề tài đầu tiên ứng dụng công nghệ màng trong sản xuất nước trái cây tại Việt Nam. Do quá trình cô đặc bằng nhiệt ảnh hưởng nhiều tới các đặc điểm của nước quả, quá trình cô đặc bằng membrane (cô đặc bằng màng) là một phương pháp thay thế hiệu quả do không sử dụng nhiệt. Phương pháp cô đặc bằng màng có những ưu điểm sau:
- Giữ nguyên hương vị của sản phẩm.
- Các thành phần trong nước trái cây không bị biến tính do nhiệt độ cao.
- Loại bỏ được một số thành phần không mong muốn (tannin, polyphenol oxidase).
- Tổng hoạt tính chống oxy hóa (TAA) của nước trái cây được cô đặc bằng phương pháp màng cao hơn so với nước trái cây được cô đặc bằng phương pháp nhiệt.
- Là một phương pháp tiên tiến, có tiềm năng ở quy mô công nghiệp.
 
Nếu công nghệ cô đặc bằng màng được triển khai ở quy mô công nghiệp, sẽ tạo được sản phẩm có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các sản phẩm nhập ngoại hiện nay, giúp tăng cường xu hướng sử dụng sản phẩm trong nước, đồng thời cũng sẽ mở ra những hướng mới để áp dụng rộng rãi hơn công nghệ màng – một công nghệ tiên tiến và có nhiều ưu điểm – trong ngành sản xuất nước trái cây.

Công nghệ sản xuất mứt dẻo vỏ bưởi

Công nghệ giúp tận dụng nguồn phế liệu vỏ bưởi để sản xuất mứt dẻo vỏ bưởi. Vỏ bưởi sau khi thu về được rửa sạch, cắt định hình, loại bớt tinh dầu và xử lý hết chất đắng. Vỏ bưởi sau xử lý tinh dầu, chất đắng được sên với dung dịch đường trong điều kiện chân không để đảm bảo sản phẩm có màu sắc và hương vị đặc trưng. Sản phẩm có vị the nhẹ và vẫn giữ được hương thơm đặc trưng.
 
Nhà Sấy bằng năng lượng mặt trời

Nhà Sấy có thể đạt đến nhiệt độ 60 độ C khi nhiệt độ môi trường là 37 độ C. Nhà Sấy dùng tấm Polycarbonate – sản xuất bởi Bayer Material Science để thu và giữ nhiệt từ ánh nắng mặt trời và sấy khô các loại củ, quả, hạt (khoai, chuối, xoài, nhãn, vãi, cà chua, ớt, me, và các loại hạt phù hợp với công nghệ).

Thiết bị sấy phun


Đây là thiết bị do Viện công nghệ hóa học nghiên cứu và chế tạo. Thiết bị này được sử dụng trong chế biến thực phẩm, dược phẩm... Thiết bị dùng để sấy các dạng dung dịch và huyền phù trong trạng thái phân tán. Sản phẩm của quá trình sấy phun là dạng bột mịn như bột đậu nành, bột trứng, bột sữa… hoặc các chế phẩm sinh học, dược liệu… 

Thiết bị sấy tiết kiệm năng lượng

Thiết bị sấy tiết kiệm năng lượng ECD (economic dryer) ứng dụng công nghệ bơm nhiệt được sử dụng sấy các sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dược phẩm, đặc biệt là các sản phẩm không bền nhiệt, dễ bị biến tính khi sấy bằng thiết bị sấy đối lưu thông thường như:
- Các loại nấm (nấm linh chi, nấm rơm, nấm bào ngư…)
- Thủy hải sản (cá, mực, tôm…)
- Rau củ quả (gấc, chuối, rau cải, hành …)
- Các chế phẩm sinh học, dược phẩm…
 
Với chương trình điều khiển tự động, quá trình điều khiển và khống chế nhiệt độ cũng như thời gian theo từng giai đoạn làm tăng hiệu quả của quá trình sấy và cho phép vận hành thiết bị đơn giản.
Khi sử dụng hiệu ứng tách ẩm - bơm nhiệt, một phần nước trong không khí được tách ra trước khi đưa vào buồng sấy nên động lực của quá trình sấy tăng lên đáng kể dẫn đến rút ngắn thời gian sấy mặc dù nhiệt độ của tác nhân thấp. Từ đó, giảm chi phí vận hành và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
 
Kho trữ lạnh


 

Kho trữ lạnh sử dụng tấm cách nhiệt chuyên dụng (theo sáng chế độc quyền của Bayer Material Science) giúp tiết kiệm điện năng tối đa nhờ hộp coolbolt giảm nhiệt độ từ 16 độ C còn 4 độ C. Kho được thiết kế phù hợp cho việc bảo quản thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tươi sống (nhiệt độ bảo quản từ +15 đến -30 độ C).

Ứng dụng tinh chất cây chùm ngây và công nghệ nano trong sản xuất mỹ phẩm

Nguyên liệu từ cây chùm ngây được chọn làm thành phần chính cho các sản phẩm làm đẹp của công ty Mori A Phương Vy nhằm bắt kịp xu hướng của mỹ phẩm hiện đại là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện. Từ nguồn nguyên liệu chính này, công ty Mori A Phương Vy đã ứng dụng công nghệ nano nhằm làm tăng hiệu quả của sản phẩm bằng cách tăng khả năng hấp thu các hoạt chất sinh học và phát huy tối đa khi tiếp xúc với tế bào. Thành phần hạt nano trong sản phẩm chăm sóc da của mỹ phẩm là các hạt nanotitandioxit (nanoTiO2) và nano vàng (nanoAu). Nano TiO2 với vai trò chắn tia UV (tia tử ngoại) gây đen sạm da và tạo cảm giác nhìn thấy da trắng lên nhờ tăng phản quang với ánh sáng trắng trong tự nhiên.
 
Nội dung chi tiết của giải pháp này sẽ được PGS. TS. Bùi Mỹ Linh trình bày vào lúc 9 giờ sáng Thứ Sáu ngày 18/07/2014 tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014.

Bên cạnh việc giới thiệu các công nghệ và thiết bị, để phục vụ cho các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, kết nối và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các công nghệ và thiết bị trong lĩnh vực: bảo quản, chế biến, đóng gói và các lĩnh vực có liên quan, Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2014 phối hợp với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẵn sàng tư vấn cho các cá nhân và đơn vị có yêu cầu; tổ chức các hội thảo trình diễn công nghệ. Kính mời quý đơn vị tham gia.

- Thư mời tham dự khai mạc

- Thư mời tham dự hội thảo:

1.  "Thực trạng và giải pháp sau thu hoạch góp phần phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long"

2. "Giới thiệu một số công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch"
    "Công nghệ sản xuất và chế biến mật ong tiêu chuẩn xuất khẩu. Phân biệt chất lượng mật ong theo một số thị trường"

3. "Ứng dụng tinh chất chùm ngây và công nghệ Nano trong sản xuất mỹ phẩm hiện đại"

4. "Công nghệ sản xuất Collagen và Chitosan từ phụ phẩm sau chế biến thực phẩm/ thủy sản"
    "Công nghệ sấy nhiệt độ thấp - giải pháp đầu ra cho vải thiều và một số trái cây khác" 


 
 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả