SpStinet - vwpChiTiet

 

Ðể Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác đã mở ra nền tảng pháp lý cho việc hình thành Quỹ phát triển KH và CN trong doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, loại hình quỹ này đi vào hoạt động đã bộc lộ hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau. Các cấp, các ngành có liên quan cần ban hành văn bản xác lập cơ chế và hoạt động quỹ, sửa đổi một số quy định về kế toán, quản lý tài chính doanh nghiệp cho phù hợp, tạo động lực phát triển quỹ.
Hằng năm, Quốc hội phân bổ 2% tổng chi ngân sách (tương đương khoảng 0,5% GDP) cho KH& CN, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và áp dụng thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. So với nhiều nước trên thế giới, nguồn chi cho KH&CN ở Việt Nam rất thấp. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN từ khu vực doanh nghiệp là giải pháp cần thiết để phát triển KH&CN nước nhà, mà Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp là một phương thức quan trọng.
Hiện nay, tỷ trọng đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp chỉ khoảng 1% GDP và tập trung vào các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Với khoảng 400 nghìn doanh nghiệp (năm 2010), có thể huy động được khoảng 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho KH&CN. Vấn đề là cần có một cơ chế huy động, quản lý và sử dụng thích hợp để nguồn lực đầu tư cho KH&CN tại doanh nghiệp phát huy hiệu quả.
Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các doanh nghiệp chiếm một tỷ lệ rất hạn chế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Theo số liệu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cơ khí - điện tử chỉ dành chưa đến 1% doanh thu cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cao nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm với 2,9% doanh thu (số liệu năm 2003).
Thực tế cho thấy, mức đầu tư bình quân cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của một tập đoàn lớn của Nhà nước chỉ đạt từ 5,8 tỷ đồng (năm 2005) đến 8,5 tỷ đồng (năm 2007), trong khi mức lợi nhuận trước thuế là hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất đầu tư cho KH&CN trên lợi nhuận trước thuế là không đáng kể. Ðây là rào cản lớn cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, của quốc gia nói chung, cũng như việc cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do vậy, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển lâu dài, bền vững của Việt Nam. Ngoài đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học thì đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các doanh nghiệp là rất quan trọng, trong đó việc tạo lập, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp là yếu tố đặc biệt quan trọng.
Về pháp lý, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư cho hoạt động KH&CN, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất của doanh nghiệp.
Ðể có thể khai thông nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho KH & CN thông qua quỹ này, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm xem xét và ban hành các quy định có liên quan.
Một là, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định số 36/2007/QÐ-BTC ngày 16-5-2007 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển KH & CN của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho phù hợp với các quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ kế toán, quản lý tài chính doanh nghiệp, thuế có liên quan đến quỹ phát triển KH & CN trong doanh nghiệp.
Ba là, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định xác lập cơ chế quản lý đối với sự hoạt động của quỹ, hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng của quỹ phát triển KH &CN trong doanh nghiệp cũng như trong nền kinh tế. Ðồng thời, Nhà nước cũng sớm đưa các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, chính sách tài chính, đất đai..., nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH & CN, tạo nên một sức mạnh đột phá cho nền KH & CN nước nhà trong giai đoạn mới.
                                                                                                                    ĐT (Theo Nhân Dân)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả