SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống gia súc: phối hợp kiểu gen và kiểu hình

Chọn giống là khâu đầu tiên và có vai trò quyết định của công tác giống, nhằm giữ lại những cá thể mang đặc tính tốt, đáp ứng các yêu cầu và loại thải các cá thể không đạt để hoàn thiện giống và nâng cao năng suất vật nuôi. Phối hợp kiểu gen và kiểu hình cho phép chọn giống có độ chính xác cao và tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất.

 
TS. Chung Anh Dũng, Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cho biết, trước đây, chiến lược chọn lọc giống của ngành chăn nuôi thường căn cứ theo kiểu hình giữa các thế hệ (gia phả) vật nuôi, thông qua việc đo lường các tính trạng quan tâm (sinh sản, tăng trọng, chất lượng thịt,…). Phương pháp này được rất nhiều trại sản xuất giống sử dụng. Thường người ta dùng 3-5 thế hệ để chọn lựa, nên mất rất nhiều thời gian (chọn giống heo cần khoảng 6 tháng, với bò sữa có thể phải mất đến 3 năm). Cùng với sự phát triển của di truyền phân tử, việc giải mã toàn bộ hệ gen đã cho phép thực hiện việc chọn các gen ưu thế từ rất sớm trên vật nuôi để hướng đến các kiểu hình mong muốn. Việc kết hợp kiểu gen và kiểu hình trong ước lượng giá trị giống đã giúp công tác chọn giống đạt được độ chính xác cao hơn nhiều nếu chỉ sử dụng phương pháp chọn giống theo kiểu hình truyền thống.

Việc phối hợp chọn lọc giống bằng cách kết hợp cả kiểu gen và kiểu hình làm tăng tính chính xác của chọn lọc thông qua các thông tin trực tiếp tới kiểu gen; thu hẹp khoảng cách giữa thế hệ bằng cách chọn lọc sơ các tính trạng vật nuôi khi các vật nuôi còn non bởi gen QTL cho phép kiểm tra tính trạng không phụ thuộc vào giới tính hay tuổi tác vật nuôi; tăng độ chính xác khi chọn lọc trên những tính trạng khó như sinh sản, chất lượng thịt, sức đề kháng; giảm quần thể vật nuôi kiểm định/hậu bị do chọn lọc ngay chính kiểu gen bản thân, tiết kiệm chi phí nuôi khá nhiều.

Trên thế giới, việc phối hợp chọn lọc giống bằng cách kết hợp cả kiểu gen và kiểu hình được nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi của nhiều nước ứng dụng để chọn lọc giống gia súc (trâu bò, heo) và gia cầm. Ví dụ như, công ty ABS (Mỹ) sử dụng biochip có thể phát hiện đến 50.000 điểm đột biến gen, cho phép chọn giống bò có độ chính xác rất cao; công ty Topigs Norsvin với biochip kiểm soát đến 62.000 điểm đột biến trên heo; công ty ISA kiểm soát 42.000 điểm đột biến trên gà cũng bằng biochip,...Khảo sát thông tin của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) cho thấy, hướng ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống gia súc là chủ đề rất được các nhà nghiên cứu quan tâm, với 20.000 bài báo khoa học mỗi năm, cùng gần 350 sáng chế được đăng ký bảo hộ trên thế giới, tính đến nay. Tại Việt Nam, cũng đã có một số nghiên cứu ứng dụng di truyền phân tử vào công tác chọn giống như "Phân tích đa hình ADN trong một số ứng gen kháng bệnh ở lợn nội Việt Nam và phát triển chỉ thị di truyền phân tử hỗ trợ chọn giống lợn kháng bệnh" của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền phân tử trong chọn, tạo giống vật nuôi năng suất cao" của Viện Chăn nuôi,...

Theo TS. Chung Anh Dũng, việc ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống tại Việt Nam còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa thực sự triển khai vào sản xuất như các doanh nghiệp ở nước ngoài. Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố: thiếu phương tiện, trang thiết bị; thiếu nguồn nhân lực; hệ thống công tác giống chưa đầy đủ. Một điểm cũng vô cùng quan trọng, đó là việc chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng và hiệu quả kinh tế-kỹ thuật mà phương pháp này mang lại cho công tác sản xuất giống.

Xu hướng ứng dụng di truyền phân tử trong chọn giống gia súc”, được tổ chức ngày 8/12 tại 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM, là chuyên đề cuối của chuỗi 10 báo cáo phân tích xu hướng công nghệ do CESTI tổ chức trong năm 2016.
T.K

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả