SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông khoa học và công nghệ: chuẩn bị để thích ứng với tương lai hội nhập

Những thuận lợi, khó khăn và thách thức của khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung, công tác truyền thông về KH&CN nói riêng trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những nội dung của hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông KH&CN đối với phóng viên, biên tập viên báo chí khu vực phía Nam” do Bộ KH&CN tổ chức tại TP. HCM ngày 25/8. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tham dự và chủ trì hội thảo.

Các đại biểu đã có những phân tích, thảo luận sâu về cơ chế chính sách và hiệu quả đầu tư cho KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao vai trò và chất lượng báo chí tuyên truyền về KH&CN; thúc đẩy nghiên cứu - ứng dụng, tăng cường nguồn lực cho KH&CN và nâng cao hiệu quả đầu tư,…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện nay nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN còn nhiều khó khăn bởi chủ yếu là từ ngân sách. Luật KH&CN 2013 đã có những tháo gỡ để tăng kinh phí cho hoạt động KH&CN từ nguồn xã hội hóa, đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây một số doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư cho KH&CN ví dụ như Viettel dành hơn 4.000 tỷ đồng/năm cho KH&CN và nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm mới phục vụ an ninh quốc phòng và đời sống; hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng dành trên dưới 2.000 tỷ đồng/năm đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Nếu huy động tốt, chúng ta có thể có được nguồn kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng mỗi năm từ đầu tư của các doanh nghiệp.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chủ trì hội thảo. Ảnh: LV.
 
Mặt khác, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với tương lai hội nhập. Để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, con đường tất yếu của doanh nghiệp là đầu tư ứng dụng KH&CN. Nhà nước đã có nhiều kênh hỗ trợ như Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia; dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST); Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”,… nhằm thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, đầu tư đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đổi mới, tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách vẫn là giải pháp căn cơ để tăng hiệu quả đầu tư cho KH&CN cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự tiếp cận được những kênh hỗ trợ này. Cơ chế chính sách cần được nghiên cứu bổ sung, bám sát thực tiễn để kết nối được nhà khoa học và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Trong đó, không thể thiếu vai trò của công tác truyền thông về KH&CN mà báo chí giữ vị trí tiên phong.

Theo ông Phạm Quốc Toàn (Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo), lực lượng báo chí tham gia truyền thông về KH&CN của cả nước khá đông đảo, hầu hết các bộ ngành, lĩnh vực, các địa phương đều có báo, tạp chí chuyên ngành thuộc lĩnh vực KH&CN. Tuy nhiên hiện báo chí về KH&CN còn mỏng về lực lượng, sức tác động xã hội chưa rộng và chưa mạnh. Viết về KH&CN đã khó nhưng viết thế nào cho hấp dẫn người đọc, thu hút được sự quan tâm của công chúng, xã hội lại là vấn đề khó hơn.

Do vậy, thực tế hiện nay chất lượng thông tin về KH&CN trên báo chí chưa cao, hiệu quả thông tin chưa thực sự được như mong muốn. Để nâng cao chất lượng thông tin báo chí về KH&CN, bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng tăng cường tính chuyên nghiệp cho nhà báo, tăng cường năng lực quản lý báo chí và kiến thức nghiệp vụ báo chí cho những người đứng đầu các cơ quan báo chí về KH&CN, nhà nước cần có chính sách trợ giá, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu rộng rãi các cơ quan báo chí về KH&CN, vì báo chí lĩnh vực này thường rất khó phát hành, khó cân đối thu chi. Đối với Bộ KH&CN, cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về các hoạt động thường xuyên và những kế hoạch, chiến lược phát triển, tăng cường hoạt động đối thoại với báo chí để người làm báo có thêm nhiều thông tin, từ đó thông tin chính xác và kịp thời diễn biến mọi mặt của hoạt động KH&CN.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả