SpStinet - vwpChiTiet

 

Ngày hội của trí thức

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) hôm nay chính thức khai mạc. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ với VUSTA mà còn của giới trí thức KH-CN cả nước.
Với sự tham dự của hơn 700 đại biểu là các nhà khoa học, Đại hội sẽ bầu các vị trí lãnh đạo và thông qua Nghị quyết, phương hướng hoạt động trong giai đoạn mới.

Tại phiên trù bị, hơn 500 đại biểu đại diện cho các hội ngành trung ương, liên hiệp hội (LHH) địa phương thống nhất thông qua văn kiện đại hội gồm các báo cáo tổng kết, sửa đổi điều lệ và chiến lược phát triển. Đại hội bầu ra Hội đồng trung ương khóa mới với 144 thành viên và Đoàn chủ tịch gồm 23 thành viên.

Báo cáo tại hội nghị, TS. Phạm Văn Tân, Tổng Thư ký VUSTA nêu, nhiệm kỳ V hoạt động của VUSTA hướng mạnh về cơ sở. Vì thế, lãnh đạo VUSTA tích cực và chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền một số ban, bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để vận động thành lập và củng cố, phát triển tổ chức.

Kết quả đến tháng 1/2010, VUSTA có 125 hội thành viên, gồm 55 LHH địa phương và 70 hội ngành toàn quốc, trong đó có 4 tổng hội với hơn 80 hội thành viên hoạt động trong phạm vi cả nước.

PGS.TS Hồ Uy Liêm, Quyền chủ tịch VUSTA cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của VUSTA, các LHH địa phương, hội ngành trung ương phần nào thể hiện được vai trò của mình. Hai nhóm công việc lớn hòa quyện với nhau đó là củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức, đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức. VUSTA và nhiều hội ngành và LHH địa phương tham gia phản biện các dự án lớn của đất nước, tạo được tiếng vang trong xã hội.

Đồng ý với bản báo cáo kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Trần Văn Khánh, Chủ tịch LHH Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu: “Kết quả hoạt động của toàn hệ thống VUSTA đã được Bộ Chính trị ghi nhận bằng việc ban hành Chỉ thị 42 – CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, Đảng coi đây là một tổ chức của Đảng. Kết quả này là một thắng lợi lớn, tạo sức mạnh cho VUSTA hoạt động trong thời gian tới”.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam kỳ vọng vào quyết tâm hợp sức với các cơ quan Nhà nước, tạo nên một mối quan hệ gắn bó hơn, thiết thực hơn để có thể phát huy đến mức cao nhất chất xám của đội ngũ đông đảo các trí thức thuộc VUSTA. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, “thời gian tới VUSTA cần xây dựng dữ liệu của các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài. Hiện, nhiều cơ quan trong nước có kế hoạch làm việc này mà cho đến nay vẫn chưa làm được”.

Cùng chung quan điểm này, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, có một đội ngũ các giáo sư đầu ngành, những người có trình độ tốt nhất cả trong biên chế và ngoài biên chế, song thông tin về lực lượng vẫn ít.

Nếu đặt trường hợp các tổ chức muốn VUSTA chứng minh năng lực thì phải có bộ dữ liệu chuẩn (ấn phẩm, phần mềm hay đĩa). Bộ dữ liệu này phải chi tiết đến từng công trình nghiên cứu của mỗi giáo sư, tiến sĩ trong từng ngành khác nhau. “Có được điều này, khi cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ biết VUSTA có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu”, GS Long nói.

GS.TSKH Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kỳ vọng: “Sau Đại hội này, VUSTA sẽ có vị lãnh đạo đủ tài đức để tập hợp được sức mạnh để phất ngọn cờ, đưa những đóng góp của trí thức vào sự phát triển chung của đất nước qua việc chủ động góp ý, phản biện những dự án, chương trình lớn của đất nước”.

ĐT (Theo BAODATVIET.VN)


 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả