SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn và hỗ trợ của nhà nước

Ngày 23/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo  tại Việt Nam”. Đây là sự kiện mở đầu cho Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2017), diễn ra từ ngày 23-28/10. Đại diện các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố đã cùng kết nối, trao đổi và đề xuất các hoạt động cụ thể cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Nam Trung (Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM), thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, cụ thể như thành lập 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) cho 4 lĩnh vực trọng điểm; kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; hơn 1.500 cá nhân và nhóm khời nghiệp (KN) được đào tạo kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tỷ lệ 78% đề tài, dự án có kết quả nghiệm thu được ứng dụng; số lượng các dự án được tuyển chọn của SpeedUp 2017 đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay; hỗ trợ kết nối trực tiếp và gián tiếp cho trên 900 dự án KN, 3.200 cá nhân và nhóm KN với nhà đầu tư, 300 sản phẩm KN cho cộng đồng,…

Theo ông Trần Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu), muốn có được một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và bền vững, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa 5 yếu tố mang tính chất cốt lõi gồm nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn, sự hỗ trợ của nhà nước, nơi làm việc và cộng đồng các cố vấn. Ngoài ra, những yếu tố có tính thiết yếu mang đến thành công của một doanh nghiệp là: ý tưởng kinh doanh tốt; người lãnh đạo giỏi; đội ngũ nhân lực đồng lòng và có trình độ; kế hoạch kinh doanh phù hợp; triển khai kế hoạch kinh doanh tốt; xác định thời điểm hợp lý trong phát triển sản phẩm; biết ứng phó và xử lý sự cố hay khủng hoảng trong kinh doanh; xây dựng chiến lược tiếp thị/thị trường; xác định tốc độ tăng trưởng phù hợp của doanh nghiệp. Do đó, để kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Trần Anh Tuấn đề xuất tập trung vào một số chính sách của nhà nước và vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn. Theo đó, thành phố cần xây dựng Cổng thông tin KNĐMST có chức năng cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, sở hữu trí tuệ, mô hình kinh doanh mới, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư,… Cổng thông tin này có thể hoạt động như mô hình một đơn vị xúc tiến – hoạt động như một doanh nghiệp thực sự. Bên cạnh đó, phải có phương án rõ ràng về triển khai phương thức thương mại hóa công nghệ cho các lĩnh vực đang là trọng điểm của thành phố. Phải tạo chính sách có tính bảo hộ khi là sản phẩm của doanh nghiệp thành phố nghiên cứu ra, sau đó tạo đà cho doanh nghiệp có thể vươn ra toàn cầu; thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho KNĐMST. Mặt khác, doanh nghiệp lớn với vai trò dẫn dắt cũng chính là đơn vị đặt hàng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đó mới là mô hình “cộng sinh” trong hệ sinh thái, nghĩa là nhà nước và doanh nghiệp lớn đầu tư sẽ là sự đảm bảo uy tín cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đó. Sản phẩm mục tiêu là những sản phẩm mang tính thực tiễn và có thị trường.

Ông Vũ Anh Tuấn trình bày về định hướng hoạt động của Ban điều hành hệ sinh thái ICT. Ảnh: LV.

Ông Vũ Anh Tuấn (Phó Chủ tịch thường trực Ban điều hành Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ICT TP.HCM) cho biết, hiện nay doanh nghiệp ICT chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp của toàn thành phố, nhưng đóng góp tỷ trọng 7% GDP. Hệ sinh thái chính là cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng khởi nghiệp, giúp tìm kiếm và liên kết sự hỗ trợ, dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, lâu năm cho các nhóm khởi nghiệp. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển và hình thành thêm 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp KNĐMST với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, kỳ vọng đóng góp nhiều hơn vào GDP của TP.HCM và quốc gia.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), thời gian qua Sở đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, đào tạo, truyền thông để cộng đồng hiểu đúng về KNĐMST và lợi ích của ĐMST. Các Ban điều hành với vai trò dẫn dắt, kết nối, cần có những hoạt động cụ thể để cộng đồng nhìn thấy hiệu quả của việc ĐMST. Các ban cần chủ động đề xuất kế hoạch, Sở KH&CN sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với các Ban điều hành, các doanh nghiệp dẫn dắt để phát triển hệ sinh thái KNĐMST.

Tải bài viết tại đây

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả