SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghệ nhiệt điện than và các vấn đề môi trường

Đây là nội dung của hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức ngày 3/3 tại TP.HCM. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, phát triển nhiệt điện than (NĐT) vẫn là giải pháp, xu hướng tất yếu, ít nhất là trong vài chục năm tới. Vấn đề đặt ra là cần sử dụng các công nghệ tối ưu, tăng hiệu suất vận hành tổ máy, xử lý hiệu quả các chất thải, làm tốt công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường.

Hội thảo đã đề cập và trao đổi về công nghệ và sự tiến bộ của công nghệ NĐT; vai trò của NĐT trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tình hình vận hành các nhà máy NĐT và quy hoạch phát triển NĐT đến năm 2030; công nghệ nhà máy NĐT có thông số trên siêu tới hạn; các giải pháp nâng cao độ ổn định, tin cậy, hiệu quả và giảm thiểu phát thải NĐT;…

Ông Phương Hoàng Kim (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng) cho biết, theo dự báo, nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh là 506 tỷ kWh. Trong khi đó, tiềm năng năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Các nguồn năng lượng khác tương đối hạn chế. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh. Các nguồn năng lượng tái tạo gồm như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng hơn 27.000 MW với tỷ trọng 21% vào năm 2030. Chính vì vậy, NĐT đóng vai trò quan trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất NĐT khoảng 26.000 MW, chiếm hơn 49% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt khoảng hơn 55.000 MW, chiếm hơn 53% điện sản xuất.
 

PGS.TS. Trương Duy Nghĩa trao đổi tại phần thảo luận của hội thảo. Ảnh: LV.
 
Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa (Chủ tịch hội KHKT Nhiệt Việt Nam), than có dự trữ lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 300 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất, thời gian xây dựng không quá lâu (khoảng 3 năm) và không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện. Do giá thành sản xuất điện chỉ thấp hơn thủy điện nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đều chuyển sang phát triển NĐT và đây là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu của thế giới.

Về công nghệ, nhà máy NĐT thường có hai phần là công nghệ sản xuất điện và công nghệ xử lý phát thải ra môi trường. Đây là những công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới với hiệu suất, tự động hóa cao, đồng bộ, tập trung và tin cậy về độ an toàn. Mức độ hiện đại của thế giới như thế nào thì ở Việt Nam cũng có thể như vậy.

Tuy nhiên, PGS. Nghĩa cũng thừa nhận, NĐT là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Ngoài ra, NĐT chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy, làm bãi chứa tro xỉ, nhu cầu làm mát rất lớn (80m3/s cho 1 nhà máy điện 1.200MW), nên cần phải đặt gần sông có lưu lượng lớn hoặc vùng ven biển. Ngoài ra, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy NĐT cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, đồng thời tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý.

Bà Lê Thị Ngọc Quỳnh (Phó trưởng Ban KHCN và Môi trường thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện do EVN quản lý đều đạt các chỉ tiêu về môi trường. Tất cả các nhà máy NĐT đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt,… Sau khi làm mát bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn hở có chiều dài đủ để đưa nhiệt độ nước  về dưới mức quy định của QCVN. Công tác xử lý tro xỉ ở một số nhà máy đã có đối tác tiêu thụ hết. Một số tro xỉ chưa được tiêu thụ cũng được xử lý, theo dõi như lắp camera giám sát, phun nước tự động để hạn chế sự phát tán bụi,… Đồng thời, các thông số môi trường online được kết nối với các sở tài nguyên môi trường địa phương để có thể giám sát thường xuyên, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quy định.

Tại hội thảo, đại diện của Công ty MHPS Nhật Bản và Tập đoàn KEPCO Hàn Quốc cũng cho rằng, phát triển nhiệt điện than là xu hướng tất yếu tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp này hiện đang tư vấn và cung cấp các thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng các chỉ tiêu về môi trường cho nhiều dự án nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả