SpStinet - vwpChiTiet

 

Top 10 sự kiện KH&CN Việt Nam năm 2014

Năm 2014 đã qua với nhiều sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) được ghi nhận. Ban biên tập Tạp chí STINFO – Trung tâm Thông tin KH&CN TP. HCM (CESTI) đã tiến hành bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật. Đó là các sự kiện có phạm vi ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, những thành tựu KH&CN ghi nhận đóng góp của người Việt vào bản đồ KH&CN thế giới.


1. Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực
 
Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) sửa đổi năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2014 với nhiều thay đổi mang tính đột phá, tạo bước phát triển mới cho KH&CN Việt Nam. Điển hình như các quy định về sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN, đặc biệt là cán bộ trẻ có tài; đặt hàng đối với nhà khoa học để kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu có địa chỉ ứng dụng; “tuyển chọn từ nhiều đề xuất thực hiện đề tài”để bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN; các cơ chế khuyến khích và quy định chế tài với việc ứng dụng kết quả nghiên cứu và phổ biến kiến thức KH&CN; bảo đảm chi KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm; bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư lại cho nghiên cứu và phát triển từ Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp; minh định quyền sở hữu kết quả đề tài và phân chia lợi ích từ kết quả đề tài sử dụng NSNN,…


2. Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam
 
Ngày 18/5/2014, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng công bố: “Ngày 18/5 là Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam”, hiện thực hóa một nội dung trong Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Ngược dòng thời gian, tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Lời dạy này đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của KH&CN, trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động KH&CN Việt Nam trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua. Do vậy, Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


3 . Việt Nam nhận ba giải thưởng của IAEA trong việc đột biến tạo giống lúa

 
Đây là giải thưởng do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) kết hợp với Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) nhằm ghi nhận những cá nhân, tổ chức của các nước thành viên đã có thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Trong tổng số 23 giải thưởng, Việt Nam đã giành được 3 giải, trong đó Viện Di truyền Nông nghiệp được trao giải “Thành tựu xuất sắc”. Đây là một trong các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tạo giống (lúa, ngô, đậu tương, hoa,…) bằng đột biến phóng xạ. Hai giải thưởng khác được trao cho tập thể Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân TP. HCM và cho hai cá nhân của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng (Hồ Quang Cua và Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.


4. Dựng thành công hệ gene một người Việt Nam

 
Tháng 1/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố những kết quả đầu tiên về việc nghiên cứu xây dựng và phân tích hệ gene một người Việt Nam. Theo đó, từ cuối năm 2013, nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng và phân tích hệ gene một người Việt” đã ghi nhận được dữ liệu hệ gene của một người, gồm hơn 108 tỉ nucleotide. Từ đây, các nhà nghiên cứu đã xây dựng và phân tích hệ gene của người này bằng những công nghệ và phương pháp tính toán hiện đại.


5. Ca ghép đa tạng trên người đầu tiên ở Việt Nam

 
Tháng 3/2014, tại Bệnh viện Quân y 103, một quân nhân 43 tuổi ở Sơn La đã được ghép thành công cùng lúc thận, tụy từ người cho đã chết não. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đa tạng. Ca mổ được thực hiện trong 13 tiếng, với sự tham gia của 150 cán bộ Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103. Hai ngày sau ghép, bệnh nhân đã tỉnh, vết mổ khô, các chỉ số về đường huyết và thận tương đối bình ổn. Điều này một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam.


6. Việt Nam tham gia nghiên cứu vaccine ngừa sốt xuất huyết Dengue đầu tiên trên thế giới

 
Tháng 11/2014, Viện Pasteur TP.HCM công bố kết quả nghiên cứu vaccine ngừa sốt xuất huyết (SXH) Dengue sau giai đoạn thử nghiệm III (với Công ty Sanofi Pasteur) thực hiện tại 5 quốc gia châu Á có dịch SXH Dengue (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). Kết quả, lần đầu tiên vaccine SXH Dengue đã giúp ngừa được 56,5% ca SXH Dengue có triệu chứng, giảm được 88,5% ca SXH Dengue thể nặng và giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh này. Kết quả này là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống SXH Dengue trên thế giới và chứng minh được rằng bệnh SXH Dengue hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Nghiên cứu sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 11/2017 nhằm theo dõi thêm tính an toàn dài lâu của vaccine.


7. Việt Nam thử nghiệm thành công tàu lặn biển

 
Tháng 9/2014,  kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước “Hoàn thiện thiết kế công nghệ và chế tạo tàu lặn cỡ nhỏ” do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí khoảng 25,5 tỷ đồng đã được thử nghiệm thành công tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh. Tàu có chiều dài 6,63 m, cao 2,74m, chở được 4 người, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ với thời gian lặn 24 giờ và độ sâu lặn 50 m, ghi nhận lần đầu tiên Việt Nam làm chủ quy trình thiết kế tàu lặn đạt tiêu chuẩn, được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận ổn định phù hợp với điều kiện Việt Nam và quốc tế. Đây là sản phẩm có tính khả thi cao, có lợi thế cạnh tranh về giá thành và các dịch vụ kỹ thuật.


8. Ba nhà khoa học Việt Nam vào tốp "có ảnh hưởng nhất thế giới"

 
Thomson Reuters, công ty truyền thông có trụ sở ở New York (Mỹ), vừa công bố danh sách 3.200 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014. Trong đó, có ba nhà khoa học của Việt Nam là GS.Đàm Thanh Sơn, giảng dạy tại ĐH Chicago (Mỹ), GS.Nguyễn Sơn Bình tại Đại học Northwestern (Mỹ), và PGS. Nguyễn Xuân Hùng, hiện đang công tác ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.


9. Lần đầu trao giải thưởng Tạ Quang Bửu

 
Giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên của Bộ KH&CN dành cho các nhà khoa học có công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong khoa học tự nhiên năm 2013 đã được trao cho GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng (lĩnh vực Toán) với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi xem như các Moodule trên đại số Steenrod” (The homomorphisms between the Dickson-Mùi algebras as modules  over the Steenrod algebra) đăng trên Mathematische Annalen năm 2012, và PGS. Nguyễn Bá Ân (lĩnh vực Vật lý) với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W” (Joint remote state preparation via W and W-type states) đăng trên Optics Communications năm 2010.


10. Hiện tượng Flappy Bird

 
Đầu năm 2014, trò chơi Flappy Bird trên thiết bị di động đột ngột tạo nên cơn sốt và đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng ứng dụng iTunes ngày 17/1. Lúc cao trào, trò chơi này được cho là đem lại cho tác giả Nguyễn Hà Đông 50.000 USD mỗi ngày từ quảng cáo. Nhưng trước dư luận cho rằng trò chơi này vi phạm bản quyền về hình ảnh và ý tưởng, có những tác động tiêu cực đến người chơi hay phải truy thu thuế,… ngày 9/2 tác giả đã tuyên bố "khai tử" Flappy Bird, tiếp tục gây xôn xao báo chí trong và ngoài nước. Với Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông có mặt trong danh sách 10 triệu phú USD làm giàu trên Internet từ con số 0 của The Richest (therichest.com) vào cuối năm 2014. Trong danh sách 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm của Google, “Flappy Bird” đứng thứ 6 (xếp dưới “Ebola” và “Malaysia Airlines”).
 

Ban biên tập Tạp chí STINFO

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả