SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác Thái Lan – Việt Nam: tăng cường năng lực cạnh tranh ngành dệt may

Với chủ đề “nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập thị trường chung Asean”, GFT 2015 (Triển lãm toàn diện ngành công nghiệp dệt may) sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 9-12/7/2015. Thông qua triển lãm này, Thái Lan đặt mục tiêu tăng cường sự hợp tác ngành công nghiệp dệt may với Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường ASEAN.

Tại buổi họp báo ngày 25/3 ở TP. HCM, bà Duangrat Udomsomporn (Công ty Reed Tradex, đơn vị tổ chức triển lãm) cho biết, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) đang dần hình thành với nhiều cơ hội và thách thức mới cho ngành dệt may. Công nghệ hiện đại, kiến thức và mạng lưới kinh doanh trong khu vực sẽ là những yếu tố quan trọng giúp các nhà sản xuất giành được ưu thế cạnh tranh và lợi nhuận. Triển lãm GFT 2015 với 250 thương hiệu hàng đầu từ 25 quốc gia sẽ mang lại các công nghệ, giải pháp sản xuất mới và nhiều lợi ích kinh doanh cho các nhà công nghiệp dệt may. Triển lãm trưng bày và giới thiệu các công nghệ hiện đại, đặc trưng phục vụ ngành dệt may như máy thêu vi tính hóa, máy cắt tự động, các loại máy in hàng may mặc, công nghệ in kỹ thuật số, công nghệ dệt đa chức năng… Đặc biệt, GFT 2015 sẽ được tổ chức đồng địa điểm với Triển lãm các nhà sản xuất nguyên liệu dệt may 2015 (GMS 2015), triển lãm duy nhất tại khu vực Đông Nam Á về nguyên liệu, phụ kiện và thiết bị, dây chuyền sản xuất ngành dệt may. Điều này sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh về ngành dệt may ASEAN, qua đó giúp nâng cao phương thức sản xuất và gia tăng giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
 

Họp báo ngày 25/3 tại TP. HCM công bố về GFT 2015. Ảnh: LV.
 
Theo bà Phasiree Orawattanasrikul (Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Thái Lan), ngành công nghiệp dệt may của Thái Lan phát triển mạnh bởi đã tạo ra chu kỳ của toàn bộ chuỗi cung ứng từ giai đoạn đầu như sản xuất sợi đến giai đoạn cuối như sản xuất hàng may mặc bao gồm cả thiết kế thời trang, trong khi Việt Nam có thế mạnh về gia công may mặc. Vì vậy, các nhà công nghiệp dệt may Thái Lan đang hướng tới tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh doanh và tạo ra khả năng cạnh tranh cao hơn cho ngành công nghiệp dệt may của 2 nước tại ASEAN. Với GFT và GMS 2015, các nhà công nghiệp dệt may Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng kiến thức, cập nhật xu hướng và công nghệ mới nhất trong ngành nhằm mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác sản xuất kinh doanh, chuẩn bị cho việc hội nhập AEC. Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh dệt may ASEAN và hoạt động kết nối doanh nghiệp cũng được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc về xu hướng hiện tại và tương lai của ngành công nghiệp dệt may.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam) cho biết, ngành công nghiệp may mặc có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam  và đứng thứ hai sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng may sẵn cho thị trường Mỹ. Thái Lan và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài để hỗ trợ ngành dệt may trên các lĩnh vực cung cấp vật tư và kinh doanh sản phẩm hoàn chỉnh. Từ nhiều năm nay, các nhà công nghiệp của hai nước đã gặp gỡ và thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư. Số liệu thống kê thương mại cho thấy ngành công nghiệp dệt may Việt Nam – Thái Lan có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Do đó, việc hợp tác này sẽ tăng cường thương mại và đầu tư song phương, thúc đẩy kinh doanh và mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong quá trình hội nhập AEC.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả