SpStinet - vwpChiTiet

 

“Cánh đồng Khoa học & Nghệ thuật” – một sân chơi mới cho trẻ

Một nhóm các nhà khoa học, họa sỹ, tình nguyện viên đã cùng nhau tổ chức sự kiện “Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật” với chủ đề “Tết sẻ chia” nhằm kích thích niềm say mê khoa học ở trẻ khi được tự tay làm ra các “món đồ chơi khoa học”.
 

“Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật” mô phỏng mô hình ngày hội khoa học cho thiếu nhi (science fair/science camp).

Giữa một đợt lạnh lại có một ngày nắng đẹp cho trẻ tha hồ trải nghiệm khoa học. Lần đầu tiên trẻ em Hà Nội có một sân chơi khoa học thú vị và gần gũi đến thế, nơi các em không chỉ được xem các tiết mục biểu diễn khoa học như biến rượu vang thành các loại đồ uống khác, biến dung dịch thuốc tím KMnO4 thành nước không màu, hay nước có màu của sữa, dung dịch giống sữa dâu, biến nước thành Coca-Cola, v.v, mà còn được tự tay làm các thí nghiệm vui về vật lý và hóa học, như chế tạo robot đơn giản đi được nhờ động cơ rung, tạo núi lửa nhờ phản ứng của thuốc muối (NaHCO3) với axit giấm, hay các trò chơi với đá khô và các thí nghiệm ảo thuật vật lý.

Gần 20 nhóm trẻ tham gia say sưa khắp các góc trong sân trường, với các dụng cụ thí nghiệm chuyên nghiệp, với sự tập trung tối đa để đong đếm cho đúng từng ml, lắp ráp cho chính xác từng mạch, từng dây. Có bạn vừa làm xong robot “con bọ” vội vàng bò lăn lê trên thảm cỏ cho hai chú “bọ” thi chạy. Xem ra không bạn nào dửng dưng được với các thí nghiệm khoa học, nào là làm núi lửa, tạo bóng khổng lồ, biến rượu vang thành coca, sữa dâu... “Hay thế mà chúng mình chưa bao giờ được tận tay làm như thế này” – bạn Khôi Nguyên (8 tuổi) thốt lên. Và chăm chú hơn nữa là làm các sản phẩm công nghệ, làm chú cảnh sát hay robot con bọ đều hấp dẫn trẻ con. Việc tự mình hoàn thành một món đồ chơi công nghệ không chỉ kích thích niềm say mê khoa học ở trẻ mà còn giúp trẻ khám phá ra niềm đam mê của bản thân, trở nên tự tin và tự hào về bản thân mình khi tự tay tạo ra các “món đồ chơi khoa học”.

Tất cả những trải nghiệm thú vị này diễn ra tại “Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật”, do Học viện Sáng tạo tổ chức ở Hà Nội ngày 8/2 vừa qua. Chủ đề của sự kiện lần này là Tết vì thế học sinh không chỉ có chương trình về khoa học mà còn có chương trình làm bánh truyền thống (bánh chưng, bánh dày) và chương trình nghệ thuật sáng tạo cùng nhiều trung tâm nghệ thuật khác như Bingo, Sky of Art hay Tí Toáy. Một sân chơi thực sự cuốn hút trẻ, đem lại niềm vui học, vui chơi cho trẻ. Ra về bạn nào cũng rạng rỡ, lỉnh kỉnh với các món đồ công nghệ, các sản phẩm tự tay mình làm ra.

“Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật” mô phỏng mô hình ngày hội khoa học cho thiếu nhi (science fair/science camp) vẫn thường được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới dành cho trẻ em lứa tuổi từ mẫu giáo trở lên. Tại ngày hội này, học sinh, có thể là cá nhân hoặc tập thể, sẽ trình bày các dự án mà mình đã làm trong một thời gian. Hoặc học sinh có thể tham gia một buổi biểu diễn khoa học trong các trường đại học do các giảng viên của trường giới thiệu – cách làm khá phổ biến tại các trường đại học ở châu Âu. Tất cả các hoạt động này nhằm kích thích trí tò mò về khoa học cũng như giúp học sinh đam mê tìm hiểu khoa học, hay đơn giản chỉ nhằm giới thiệu thêm về khoa học cho trẻ em. Tuy nhiên, những hoạt động như vậy ở Việt Nam là hoàn toàn không có, và hầu như chưa có trường đại học nào tổ chức biểu diễn khoa học cho học sinh xem. Gần đây trong Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) có một số trường có tổ chức tham quan phòng thí nghiệm và chỉ dừng lại ở đó, trong khi lẽ ra các ngày hội khoa học đáng lẽ phải được các trường học tổ chức thường xuyên, theo quý hoặc theo học kì.

Chính vì vậy, Học viện Sáng tạo hi vọng sẽ thực hiện thường xuyên chuỗi các sự kiện “Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật”, đồng thời có thể triển khai các hoạt động đào tạo giáo viên và học sinh bằng các phương pháp thực hành chứ không phải bằng lý thuyết. Với sự giúp đỡ của những nhà khoa học tốt nghiệp tại châu Âu (TS. Đặng Văn Sơn, ĐH Birmingham, UK; TS Bùi Văn Điệp, ĐH Ecole Polytechnique, Pháp) và đội ngũ trợ giảng chuyên nghiệp, nhóm dự định tạo ra những bộ dụng cụ thí nghiệm đơn giản được chia làm nhiều cấp độ, từ cơ bản và phổ cập như một bộ đồ chơi với khoa học (làm các thí nghiệm với các hóa chất trong bếp, đơn giản, an toàn) đến các bộ thí nghiệm chuyên sâu (dành cho các bạn có đam mê khoa học thực sự, từ 14 tuổi trở lên), qua đó giúp mọi đối tượng học sinh đều có thể tự tay làm thí nghiệm tại nhà hay tại trường, dành cho mọi đối tượng từ mẫu giáo đến hết cấp 3, thậm chí hữu ích với phần lớn sinh viên nghiên cứu khoa học - hiện nay đa phần các em chỉ nắm kiến thức sách vở mà không có nhiều cơ hội thực hành. Các bộ dụng cụ thí nghiệm này chính là “giáo trình” để đưa môn Khoa học vào các trường học một cách hấp dẫn, hiệu quả, học bằng thực hành, bằng tự học, tự nghiên cứu, giúp học sinh làm quen dần với phương pháp nghiên cứu khoa học và làm các dự án khoa học nhỏ, qua đó thúc đẩy niềm yêu thích khoa học và sự tự tin hướng đến một sự nghiệp khoa học thực sự trong tương lai. Nhóm cho biết việc chuyển giao công nghệ này cho các trường là khả thi và đơn giản, chỉ cần một thời gian ngắn để đào tạo đội ngũ giáo viên hiện có.
 
Tất cả những người tham gia tổ chức Cánh đồng Khoa học và Nghệ thuật đều tình nguyện 100%, mọi lợi nhuận thu được sẽ được dùng để mua sách cho trẻ em nông thôn, và tiếp tục xây dựng các sân chơi cộng đồng cho trẻ em thành phố.
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả