SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Ngày 29/8, tại Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam tổ chức hội thảo về phát triển điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt hơn 14.000 MW. Nhiệt điện than được đánh giá là cho giá thành điện thấp chỉ sau thủy điện, bởi vốn đầu tư không quá cao và thời gian xây dựng nhanh. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường lại là một thách thức do vấn đề trong xử lý khí thải và tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than. Đây cũng chính là nội dung một cuộc Hội thảo tổ chức sáng nay (29/8) tại Hà Nội.

Chất thải từ nhà máy nhiệt điện than gồm cả chất thải rắn, lỏng và khí. Trung bình mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và  thạch cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển tro xỉ đã xảy ra một số sự cố như việc phát sinh bụi tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Việc tiêu thụ tro xỉ tại các tỉnh miền Bắc mới được sử dụng nhiều làm gạch không nung và phụ gia xi măng. Còn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, việc tiêu thụ tro xỉ hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có được thị trường tiêu thụ. Những bất cập trong quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý phát thải khí đối với các nhà máy nhiệt điện cũng khiến giá thành điện tăng lên từ 70 - 80 đồng/kwh.

Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than cũng cần phải đi kèm với việc lựa chọn công nghệ có hiệu suất cao để giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải đáp ứng các quy định của các tổ chức quốc tế như OECD, của các thể chế tài chính quốc tế… từ đó các dự án nhiệt điện của Việt Nam có điều kiện huy động nguồn vốn dễ dàng hơn.

Theo PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, tới năm 2015, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh theo nhu cầu tổng sản lượng điện. Trong khi nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4% tới năm 2020 đã tăng lên 49,3%, năm 2025 tới 55% và 2030 là 53,2% (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề cập đến những giải pháp để đảm bảo môi trường hài hòa với sự phát triển điện năng của đất nước. Sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và xử lý tái chế tro, xỉ. Đối với quy chuẩn QCVN 22:2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cần có những sửa đổi, ban hành phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.

Bên cạnh đó, các tham luận tại Hội thảo thừa nhận, nhiệt điện than thật sự cần thiết trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng hiện nay của Việt Nam, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân hiện tại cũng như lâu dài, nhất là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả