SpStinet - vwpChiTiet

 

Vi phạm đo lường, chất lượng xăng dầu: tinh vi và khó kiểm soát

Mặc dù số vụ vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu có dấu hiệu giảm so với các năm trước nhưng các hình thức vi phạm lại tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, các quy định xử lý vi phạm lại chưa đủ sức răn đe các cơ sở kinh doanh vi phạm gây bức xúc trong dư luận, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, quản lý các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu...

 
Cơ quan chức năng đang kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu (Ảnh: most.gov.vn)

Đó là nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012 về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu do Bộ KH&CN tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội.

Đa dạng các hình thức vi phạm

Năm 2012, tổng số cơ sở được thanh tra là gần 5.300 cơ sở, trong đó số cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng là trên 900 cơ sở và số cơ sở kinh doanh xăng dầu là gần 4.300 cơ sở. Trong đó, số cơ sở vi phạm là 678 cơ sở (chiếm 12,8%) với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng. Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho biết, tổng hợp các cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2012 và các năm trước đây cho thấy, số lượng các cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng có chiều hướng giảm. Năm 2003, tỷ lệ vi phạm là 29%, năm 2008 là gần 18%, năm 2011 là 16,4% và năm 2012 là 12,8% tổng số cơ sở được thanh tra. Các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là vi phạm về đo lường, chất lượng nhưng thu đoạn vi phạm lại tinh vi, phức tạp, dai dẳng và rất khó kiểm soát.

Trong hơn 150 lượt vi phạm khí dầu mỏ hóa lỏng được các cơ quan chức năng phát hiện thì có tới gần 80% hành vi vi phạm về đo lường, số còn lại là các vi phạm về chất lượng, bình/chai khí dầu mỏ hóa lỏng hết hiệu lực kiểm định kỹ thuật an toàn, bán khí dầu mỏ hóa lỏng không phù hợp, chiết nạp vào chai trái phép, không lưu hồ sơ công bố chất lượng, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo...

Tương tự, trong gần 600 lượt hành vi vi phạm kinh doanh xăng dầu thì hơn 40% là vi phạm đo lường và gần 16% là vi phạm chất lượng. Các hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu là phương tiện đo chưa được kiểm định ban đầu đã đưa vào sử dụng; sử dụng phương tiện đo đã quá thời hạn kiểm định; sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ; phương tiện đo không có nguồn gốc rõ rang dẫn đến phương tiện đo không đảm bảo về đo lường; tự ý phá niêm chì để hiệu chỉnh phương tiện đo theo hướng có lợi cho người bán; sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường do có sai số vượt quá sai số cho phép. “Đặc biệt, không ít các hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý do pha loại xăng có trị số ốc tan thấp với xăng có trị số ốc tan cao để bán với giá của xăng có trị số ốc tan cao nhằm móc túi người tiêu dùng, gây nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện xe cơ giới, gây bức xúc trong dự luận trong thời gian vừa qua” ông Dũng nói.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TC-ĐL-CL) cũng cho rằng khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu là các mặt hàng thiết yếu đối với người dân, thuộc danh mục hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn. Thế nhưng, không ít các cơ sở kinh doanh xăng dầu từ nhập khẩu, sản xuất, pha chế đến lưu thông ra thị trường vì lợi nhuận trước mắt mà vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng. Đầu tháng 10/2012 có 2 lô xăng RON 92 và RON 95 với số lượng gần 14 ngàn tấn xuất xứ từ Singapore, nhập khẩu tại TPHCM và Bà Rịa- Vũng Tàu không đạt chất lượng, phát hiện có sec butyl acetate là phụ gia không thông dụng, chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ KH&CN. Hay kết quả kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường các tỉnh, thành phố cũng cho thấy có 8/82 mẫu xăng dầu không đạt yêu cầu chất lượng, nhiều mẫu xăng có hàm lượng Mn vượt quá quy định cho phép; có 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia “tiết kiệm xăng” trái phép...

Còn nhiều vướng mắc

Cũng theo ông Tuấn, trên thực tế còn hiệu tượng xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nhập lậu, thẩm lậu vào thị trường nội địa qua đường biển, Ngoài ra, còn có hiện tượng pha chế kinh doanh trái phép xăng dầu không đảm bảo chất lượng từ sản xuất đưa ra thị trường và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng xăng dầu trên thị trường còn không đảm bảo và khó kiểm soát. “Bên cạnh đó, việc kiểm tra chất lượng trong lưu thông khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu của các cơ quan chức năng chưa được nhiều và tổng số mẫu thử nghiệm còn ít so với số cửa hàng kinh doanh xăng dầu mà nguyên nhân do thiếu nguồn lực, kinh phí cho công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng” ông Tuấn cho hay.

Theo đánh giá của các đoàn thanh tra địa phương, các hành vi làm thay đổi tình trạng kỹ thuật, đặc tính đo lường của phương tiện đo để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt mức cho phép là hành vi không mới nhưng để phát hiện và xử lý được vi phạm dạng này là rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra cao. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vi phạm về sở hữu công nghiệp trong kinh doanh xăng dầu, chủ yếu là hành vi sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu đã được nhiều người biết gây nhầm lẫm cho người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, khi bị thanh tra lập biên bản xử lý thì không ít các cửa hàng vi phạm lại không biết mình vi phạm. Hành vi sang chiết gas trái phép vào chai mini hay sử dụng lại chai mini trái với quy định chủ yếu lại là người nhập cư không có hộ khẩu tại địa phương, buôn bán kèm tạp hóa nhỏ lẻ thì mức phạt từ 10-30 triệu đồng là khó khả thi.

Theo ông Trần Minh Dũng nhiều quy định trong Nghị định 54/2009/NĐ-CP đã lạc hậu so với thực tế, có những quy định xử phạt quá thấp đối với một số hành vi vi hạm trong kinh doanh phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định nhưng không có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn nhưng không trong Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm về chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố thì có khác nhau giữa cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh buôn bán. Với cơ sở sản xuất thì phạt theo hành vi, còn với cơ sở buôn bán thì phạt theo số lượng hàng hóa vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện được.

Điều này có thể dẫn đến sự không hợp lý là mức phạt cơ sở sản xuất thấp hơn so với mức phạt đối với cơ sở kinh doanh buôn bán khi có cùng hành vi vi phạm. “Cần sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và hoạt động thanh tra trong lĩnh vực đo lường, chất lượng hàng hóa nói chung và kinh doanh khí dầu mỏ, xăng dầu nói riêng” ông Dũng đề nghị.
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả