SpStinet - vwpChiTiet

 

Xu hướng sản xuất và ứng dụng bao bì phân hủy sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trên thực tế, bao bì nhựa và túi nilon đang dần thay thế những loại bao bì truyền thống bằng kim loại, thủy tinh và bìa carton. Với các thành phần độc hại và tính chất rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, bao bì nhựa đang gây ra những tác hại kinh hoàng với môi trường (làm cho đất đai bạc màu, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm) cũng như đối với sức khỏe con người. Trước thực trạng này, nhiều biện pháp được các quốc gia áp dụng nhằm hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng bao bì nhựa, như việc cấm sử dụng túi nilon, đánh thuế cao nghề sản xuất túi nilon hay yêu cầu người tiêu dùng trả tiền cho bao bì để tạo nguồn kinh phí bảo vệ môi trường…Song các biện pháp này vẫn chưa giải quyết vấn đề này thật hiệu quả.

Giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu và ngăn chặn tác hại của bao bì nhựa, túi nilon theo ThS. Vũ Tiến Trung (khoa Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) là sản xuất và sử dụng bao bì PHSH. Theo ThS. Trung, hiện nay có 2 hướng nghiên cứu nhựa PHSH: thứ nhất là sử dụng các vật liệu có khả năng PHSH để chế tạo bao bì như polyester, polymer tự nhiên (tinh bột, chitosan, celolose, polymer tổng hợp…) tạo ra sản phẩm PE/tinh bột; thứ hai là vật liệu bao bì vẫn dựa trên nền polyethylene nhưng sẽ thêm các thành phần có khả năng phân hủy (tinh bột) hay phụ gia trợ oxy hóa có nguồn gốc từ kim loại ( TiO2; Coban; Mangan; Sắt và Canxi) tạo ra sản phẩm PP/tinh bột.
 
ThS. Vũ Tiến Trung giới thiệu tình hình rác thải nhựa và xu hướng sản xuất bao bì PHSH
Các hướng ứng dụng nhựa PHSH trong lĩnh vực bao bì dựa trên hỗn hợp polyethylene/tinh bột được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu khá rộng rãi và công bố từ rất sớm. Theo khảo sát tình hình đăng ký sáng chế (SC)  dựa trên CSDL Thomson Innovation của CESTI cho thấy, xu hướng sản xuất và ứng dụng nhựa PHSH liên quan tới bao bì trên thế giới có khoảng 50 SC nộp đơn đăng ký bảo hộ (từ 1994 – 2014) ở 14 quốc gia và tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Úc, tổ chức SHTT Thế giới (WO), tổ chức SHTT châu Âu (EP)…Trong đó, Việt Nam cũng đóng góp 3 SC.

Tại buổi báo cáo ThS. Lê Đức Anh (khoa Khoa học Vật liệu – Đại học KHTN TP.HCM) đã giới thiệu về công nghệ sản xuất và sản phẩm bao bì PHSH do khoa Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên nghiên cứu và sản xuất. ThS. Anh cho biết: bằng các  phương pháp gia công sản phẩm như ép phun, ép đùn, thổi khuôn, cán màng, thổi màng,…với việc sử dụng những công cụ có sẵn và nguồn nguyên liệu trong nước, đơn vị đã sản xuất ra các sản phẩm nhựa PHSH được ứng dụng trong thực tiễn như bao bì, thùng đựng rác công cộng và gia đình, vỏ chai nước, chai dầu gội, pa–let,…đạt các tiêu chuẩn phân hủy nghiêm ngặt của thế giới (tiêu chuẩn biobased, tiêu chuẩn biodegradable hay tiêu chuẩn compostable). Sản phẩm cũng đạt được những hiệu quả mong muốn về kinh tế xã hội và môi trường như giảm sử dụng nguyên liệu polymer bắt nguồn từ dầu mỏ, tăng phân hủy của rác thải từ nguyên liệu dầu mỏ, giảm lượng khí thải CO2 khi đốt rác, có khả năng tái chế một lần, giá thành cạnh tranh…
 
ThS. Lê Đức Anh giới thiệu về bao bì PHSH của khoa Khoa học Vật liệu – ĐH KHTN TP.HCM


Các đại biểu đã có nhiều trao đổi, thảo luận về khả năng ứng dụng sản phẩm PHSH trong các điều kiện môi trường đặc biệt (đóng hàng đông lạnh xuất khẩu hay đựng sản phẩm ở nhiệt độ cao,…)..
P Nhung

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả