SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao chất lượng sấy nông sản, thực phẩm với thương hiệu máy sấy Hai Tấn

Nhiều dòng máy sấy ứng dụng công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ sấy bơm nhiệt hiện đại, với năng suất cao và khả năng sấy đa dạng đến từ thương hiệu máy sấy Hai Tấn, đã được giới thiệu tại buổi hội thảo chuyên đề “Một số công nghệ sấy nông sản, thực phẩm ưu việt” vào sáng 9/10. Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Santavi tổ chức tại 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM.

Dòng máy sấy HTB-01, HTB-02, HTB-03 và HTB-04 là các dòng máy tiêu biểu của công nghệ sấy bơm nhiệt đến từ Nhật Bản, với năng suất sấy từ 180-1.440 kg tươi/mẻ (3-10 kg tươi/khay), diện tích sấy khả dụng từ 25,92–103,68 m2, nhiệt độ sấy 30-600C và lượng điện tiêu thụ trong 1 giờ đầu tiên từ 25,99-42,5 kW/giờ. Thân máy được làm từ bông sợi khoáng (rockwool) dày 50 mm có khả năng cách nhiệt và chống cháy, 2 mặt tôn sơn tĩnh điện dày 0,4 mm và khay sấy làm bằng Inox 304. Hoạt động theo công nghệ sấy bơm nhiệt, máy sử dụng luồng không khí được làm khô ở dàn lạnh và gia nhiệt ở dàn nóng để lấy đi lượng ẩm trong sản phẩm. Không khí mang ẩm sẽ được tuần hoàn lại để tiếp tục làm khô và gia nhiệt cho quy trình sấy tiếp theo. Với 9 công thức sấy được vài đặt sẵn, thiết bị có thể sấy đa dạng các loại nguyên liệu như tinh bột nghệ, chùm ngây, quế, macca, tôm, chuối, linh chi,… mà vẫn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lê Thanh Tùng (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Santavi) trao đổi tại buổi hội thảo. - Ảnh: KT.

Song song đó, một số dòng máy sấy khác với công nghệ hiện đại và tính năng đa dạng cũng được giới thiệu tại buổi hội thảo như: máy sấy khí nóng đối lưu HTD-01 sử dụng dòng không khí đã được làm nóng bằng nhiệt lượng từ điện năng để lấy đi hơi ẩm trong sản phẩm cho đến khi đạt độ khô yêu cầu; nhà phơi/sấy parabol sử dụng năng lượng mặt trời và các tấm thu nhiệt polycacbonate có tác dụng hấp thu và giữ nhiệt bên trong để tiến hành sấy sản phẩm cả ngày lẫn đêm, cho hiệu quả sấy lên đến 73%; máy sấy thăng hoa mini HRi có năng suất từ 5-7 kg/mẻ sấy, sử dụng công nghệ sấy đông khô để đông lạnh tức thời và xử lý chân không sản phẩm, giúp sản phẩm giữ nguyên được 98% thành phần dinh dưỡng ban đầu và phù hợp với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.  .

Với khả năng sấy đa dạng các loại hạt, dược liệu, tinh bột, trái cây, rau củ,… giúp kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các dòng máy sấy mang thương hiệu máy sấy Hai Tấn đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam.

Bà Bùi Thanh Bằng  phát biểu tại buổi hội thảo. - Ảnh: KT.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2018 (tăng khoảng 10% so với năm 2017). Điều này đặt ra nhiều thách thức hơn trong việc bảo quản và chế biến các mặt hàng nông sản sau thu hoạch ở nước ta. Mặt khác, sấy khô hiện đang là phương pháp chế biến và bảo quản nông sản hiệu quả, giúp tăng giá trị sản phẩm và tiết kiệm lên đến 10% chi phí sản xuất ban đầu. Vì vậy, việc áp dụng các công nghệ sấy vào quy trình chế biến và bảo quản là rất quan trọng và cần thiết. 

Buổi hội thảo là một trong các hoạt động triển khai Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thực hiện, với mục đích thúc đẩy và hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời khai thác, phát triển và kết nối cung nguồn cung - cầu công nghệ trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả