SpStinet - vwpChiTiet

 

Một tập thể và một cá nhân nhận giải Kovalevskaia 2014

Tập thể Bộ môn Mô – Phôi (Đại học Y Hà Nội) và Khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt trung ương) và GT.TS Nguyễn Thị Kim Lan vừa được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 vào ngày 7/3 do có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng.
 

PGS.TS Nguyễn Thị Bình, người đóng vai trò quan trọng trong công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào trong điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương: Ứng dụng công nghệ tế bào điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu

Với công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào trong điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, PGS.TS Nguyễn Thị Bình và các nhà khoa học của Bộ môn Mô – Phôi (Đại học Y Hà Nội) và Khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã tìm ra phương pháp điều trị bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau rồi ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân. Tuy đã được áp dụng nhiều trên thế giới nhưng đây vẫn là phương pháp mới ở Việt Nam.

Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004, đến năm 2006, tập thể các nhà khoa học đã thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương giác mạc”, đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng”. Qua nghiên cứu ở hai đề tài, năm bệnh nhân đã được điều trị với tỉ lệ thành công đạt 80%.

Năm 2010, tập thể nghiên cứu thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu”. Từ đề tài này, quy trình nuôi tạo và ghép biểu mô được tiếp tục hoàn thiện để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt, tỉ lệ ghép thành công 80%, đồng thời nghiên cứu qui trình trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt, tỉ lệ thành công 70%. Công trình này được đánh giá là mới, quy trình đơn giản, không sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc động vật và đem lại cơ hội điều trị giá rẻ cho người bệnh. Hiện qui trình đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

GS.TS. Nguyễn Thị Kim Lan: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Là một trong những chuyên gia về ngành chăn nuôi thú y, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Lan (Khoa Chăn nuôi thú y, ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên) có nhiều công trình nghiên cứu và là chủ nhiệm đề tài nhiều công trình cấp bộ, ngành về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở miền núi phía Bắc... như “Nghiên cứu đặc diểm dịch tễ, bệnh lý, lâm sàng và biện pháp phòng trị bệnh cầu trùng lợn ở Thái Nguyên”, “Nghiên cứu bệnh Coli dung huyết ở lợn con và biện pháp phòng trị tại một số địa phương tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang”, “Nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán đường tiêu hóa ở dê cỏ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và biện pháp phòng trị”…

Đề tài gần đây nhất GS. Lan thực hiện thuộc chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các bộ kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp. trên gia súc ở Việt Nam”, từ năm 2010 đến 2014. GS Lan và cộng sự đã triển khai lấy mẫu máu một số loài gia súc trên địa bàn sáu tỉnh phía Bắc, phân lâp được các chủng tiên mao trùng ký sinh và gây bệnh ký sinh trùng đường máu ở gia súc.  Bằng phương pháp sinh học phân tử đã xác định được các chủng phân lập được đều là loài Trypanosoma evansi rồi nghiên cứu tách dòng và biểu hiện gen mã hóa kháng nguyên bề mặt của tiên mao trùng, bằng công nghệ gen đã chế tạo được kháng nguyên tái tổ hợp để chế các bộ kit Catt và kit Elisa có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Đồng thời, GS. Lan và cộng sự đã nghiên cứu và xác định được khả năng lây nhiễm chéo giữa các chủng phân lập từ các loài gia súc khác nhau để xây dựng bốn phác đồ điều trị bệnh cho gia súc. 3500 bộ kit và phác đồ điều trị đặc hiệu bệnh tiên mao trùng đã được chuyển giao cho chi cục thú y bốn tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu.
 
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả