SpStinet - vwpChiTiet

 

Từng bước ứng dụng dược sinh học trong điều trị bệnh tự miễn cho người Việt

một số người, vì nhiều lý do, hệ thống miễn dịch bị rối loạn chức năng và mất khả năng phân biệt lạ - quen, thay vì bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật lại quay ra tấn công chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh lý tự miễn dịch. Để điều trị, thuốc điều chỉnh đáp ứng sinh học là dòng mới nhất, được các bác sĩ đánh giá cao. Đây là loại thuốc mới, đang trong quá trình phát triển, nhưng tại Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu “dạng hiếm” trên thế giới về cơ chế bệnh, với mục tiêu tạo được thuốc trị bệnh tự miễn cho người Việt. 
 
TS. Nguyễn Đăng Quân – Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM trình bày báo cáo

Theo TS. Nguyễn Đăng Quân – Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, bệnh tự miễn tác động đến 5 - 7% dân số toàn cầu với 2/3 bệnh nhân là phụ nữ. Các bệnh tự miễn rất đa dạng, gặp nhiều nhất là hệ thống mô liên kết (như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì), hệ thần kinh (như bệnh xơ cứng rải rác, viêm đa dây thần kinh, bệnh nhược cơ), hệ nội tiết (viêm tuyến giáp tự miễn, bệnh basedow, tiểu đường tuýp 1), hệ thống cơ khớp (viêm da cơ, viêm đa khớp dạng thấp), hệ tiêu hóa (viêm gan tự miễn, bệnh Crohn), các tế bào máu (tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu), ngoài da (bệnh Pemphigus, vảy nến) và hệ thống mạch máu (viêm động mạch thái dương, viêm mao mạch dị ứng…).. Tuy nhiên, bệnh có căn nguyên rất phức tạp do đó rất khó để điều trị.

Để chữa bệnh, dân gian sử dụng các cây thuốc có trong thiên nhiên như Đương quy, Lôi công đằng, Thiên ma…. Đến những năm 1980, các nhà khoa học đã sử dụng các hoạt chất như aspirin, quinine, colchicine để giảm các triệu chứng của bệnh tự miễn. Khi khoa học ngày càng phát triển, các công ty dược đã điều chế được nhiều loại thuốc kháng viêm (có hoặc không có steroid), thuốc kháng viêm khớp giải phóng chậm, và gần đây nhất là thuốc điều chỉnh đáp ứng sinh học. Bác sĩ Phạm Văn Lợi, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết loại thuốc này là “cuộc cách mạng trong điều trị bệnh lý tự miễn”. Ông đã quan sát trên nhiều bệnh nhân tại bệnh viện và thấy rằng phần lớn bệnh nhân có phản ứng tích cực với thuốc. 

Để làm rõ hơn về xu hướng ứng dụng liệu pháp dược sinh học trong điều trị bệnh tự miễn, ngày 31/07/2015 tại 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Xu hướng ứng dụng liệu pháp dược sinh học trong điều trị bệnh tự miễn”. Buổi báo cáo đã thu hút sự quan tâm của 50 đại biểu từ các Sở ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và doanh nghiệp.
Nguồn: báo cáo  “Xu hướng ứng dụng liệu pháp dược sinh học trong điều trị bệnh tự miễn”. 07/2015
 
Tại buổi báo cáo, nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM về tình hình đăng ký sáng chế dựa trên CSDL Thomson Innovation cho thấy, hiện có hơn 24.000 sáng chế đăng ký bảo hộ về ứng dụng liệu pháp dược sinh học  trong điều trị bệnh tự miễn. Khu vực châu Á có 11 quốc gia có sáng chế về lĩnh vực này, gồm Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Hong Kong, Philipine, Việt Nam, Maylaysiam, Indonesia. Có 77 sáng chế đăng ký bảo hộ tại Việt Nam trong khoảng thời gian 2001-2013. Chủ sở hữu nhiều sáng chế về dược sinh học trong điều trị bệnh tự miễn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đa phần đều là các công ty dược lớn nước ngoài như Boehringer Ingelheim International GMBH, Glaxo Group Limited, AbbVie Inc, Abbott Laboratories.
 
Theo TS. Nguyễn Đăng Quân, hiện Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM cũng đang tiến hành nghiên cứu cytokine IL-33, một cytokine ít được nghiên cứu trên thế giới, với mục tiêu tạo ra thuốc trị bệnh tự miễn như các loại thuốc ngoại nhập đang có mặt trên thị trường, từng bước tiến đến tự sản xuất thuốc phục vụ cho nhu cầu người dân trong nước. Trước những lo ngại về tác dụng phụ của thuốc ức chế bệnh tự miễn, ông chia sẻ: “Tuy thuốc điều chỉnh đáp ứng sinh học cũng gây ra các tác dụng phụ trên người bệnh như gây ra sự suy giảm hệ miễn dịch ở người bệnh, nhưng những tác dụng phụ này nhẹ hơn nhiều so với thuốc hóa dược thế hệ cũ”.
 
Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả