SpStinet - vwpChiTiet

 

Dự án khởi nghiệp CiC 2018 gọi vốn đầu tư thành công

Sáng 17/10, trong khuôn khổ tuần lễ Whise 2018, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM diễn ra chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2018” do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM (IEC) tổ chức. Trong chương trình, 6 nhóm dự án xuất sắc từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018 đã thuyết trình trước các nhà đầu tư để gọi vốn vào các dự án của mình.

Cuộc thi CiC 2018 do IEC phối hợp với Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Đại học Kinh tế - Luật, Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Đại học Kinh tế - Luật tổ chức dưới sự chỉ đạo của Đại học Quốc gia TP.HCM với sứ mệnh tìm kiếm và hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp “thực chất” và tiềm năng từ sinh viên, được sự hỗ trợ của Quỹ Khởi nghiệp Đại học Quốc gia TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Cuộc thi đã tiếp cận hơn 300.000 sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học của 35 tỉnh, thành khu vực phía Nam; thu hút 130 nhóm dự án khởi nghiệp với hơn 300 sinh viên tham dự. Trải qua 3 vòng thi gay cấn và các chương trình bootcamp đào tạo kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, CiC đã tìm ra 7 nhóm xuất sắc đoạt giải chung cuộc.

Nhóm Smart Helmet thuyết trình trước các nhà đầu tư. Ảnh: LV.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (Phó Giám đốc ĐHQG-HCM), CiC chỉ là một trong số các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, được thiết kế một cách hệ thống giúp sinh viên nâng cao nhận thức, khám phá và trải nghiệm thực tiễn hoạt động khởi nghiệp. Tại ĐHQG-HCM, từ năm 2014 đã xây dựng và phát triển Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để kiến tạo một môi trường cho sinh viên trải nghiệm thực tế về khởi nghiệp. Cuộc thi CiC 2018, cùng với sự hợp tác của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có bước phát triển đột phá cả về chất và lượng. Chương trình gọi vốn đầu tư CiC 2018 nhằm tiếp tục hỗ trợ ươm tạo và phát triển các dự án tiềm năng, giúp các nhóm khởi nghiệp nằm trong top 10 của cuộc thi CiC huy động vốn để thực hiện ý tưởng của mình, mang đến cho các bạn sinh viên trải nghiệm thực tế sâu hơn về khởi nghiệp.

Tại chương trình, 6 nhóm tham gia pitching trước các nhà đầu tư là: Langf (giải nhất CiC 2018), Flood Housing (giải nhì), SHub, Smart Helmet (giải ba), VSN Academy (giải khuyến khích), iNut Platform (top 10 CiC 2018).

Nhóm Flood housing gọi vốn đầu tư để hoàn thiện sản xuất. Ảnh: LV.

Langf  là dự án tạo ra một nền tảng thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội phục vụ phân khúc khách hàng chính là sinh viên, đáp ứng các nhu cầu về ăn uống - kinh doanh theo thương mại điện tử, vừa có thể giao tiếp, học tập, làm việc, giải trí như một mạng xã hội đơn thuần. Flood Housing ý tưởng xây dựng nhà lưỡng cư với chi phí thấp ứng dụng được ở nhiều địa hình, phù hợp với vùng lũ lụt, thường xuyên bị thiên tai. Flood Housing nhắm đến mô hình nhà thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. SHub là một hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên và cán bộ giảng viên trong việc hình thành môi trường Đại học thông minh (Smart campus) qua việc xây dựng một nền tảng các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động diễn ra ở trường học. Smart Helmet là dự án sản xuất mũ bảo hiểm thông minh (được gắn một thiết bị dạng tai nghe bluetooth, có thể kết nối với điện thoại với các chức năng cảnh báo nồng độ cồn, giảm tai nạn do ngủ gật, hỏi đường bằng giọng nói như một trợ lí ảo, báo sự cố về người thân nếu có tai nạn và nhắc nhở bật đèn chiếu sáng). VSN Academy là ý tưởng xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ kết nối 4 bên người học, người dạy, trường học và doanh nghiệp). iNut Platform là nền tảng công nghệ IoT, dùng cho việc lập trình và phát triển các ứng dụng của IoT (sử dụng kết hợp với các thiết bị phần cứng như PLC và các thiết bị phần mềm để tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện như cảm biến, đèn, quạt, tụ điện,... để điều khiển được trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính).

Flood housing và nhà đầu tư tại chương trình. Ảnh: LV.

Kết quả có 4 nhóm được cam kết đầu tư là Flood Housing (300 triệu đồng), VNS Academy (300 triệu đồng), SHub (300 triệu đồng) và iNut Platform (625 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), có thể nói ĐHQG-HCM là đại học tiên phong trong cả nước về hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Sở KH&CN TP.HCM hợp tác cùng với ĐHQG-HCM để nâng tầm cuộc thi CiC này thành một sân chơi có quy mô lớn hơn cho sinh viên TP.HCM và cả nước. Đúng như kỳ vọng, CiC 2018 đã có được những bước tiến lớn cả về lượng và chất. Sự kiện gọi vốn đầu tư CiC 2018 là một trong các hoạt động mà Sở KH&CN sẽ cùng với ĐHQG-HCM tiếp tục triển khai nhằm giúp các nhóm dự án trong top 10 tiếp tục đi xa hơn. Sắp tới, các dự án tốt, có nhu cầu tiếp cận vốn sẽ được giới thiệu tham gia chương trình SpeedUp (có thể nhận được đầu tư đến 2 tỷ đồng). Sở cũng cam kết đồng hành cùng với ĐHQG-HCM hiện thực hóa tầm nhìn phát triển cuộc thi CiC trở thành một quy mô quốc gia và hướng đến quốc tế.   

Cũng trong buổi sáng 17/10, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức tổng kết Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ V (2017 – 2018) và lễ tổng kết 10 năm Chương trình đào tạo Quản trị viên Tài sản trí tuệ (2008 – 2018). Sau 10 năm triển khai, Chương trình đào tạo Quản trị viên TSTT TP.HCM đã đào tạo được 68 giám đốc TSTT, 104 trưởng bộ phận TSTT cùng 195 chuyên viên TSTT làm nòng cốt cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Thành phố. Để hoàn tất Chương trình với cấp độ cao nhất là giám đốc TSTT, học viên phải theo học khoảng 18 tháng, hoàn thành 15 module (TSTT trong kinh doanh và hoạt động R&D; xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với TSTT; hợp đồng giao kết kinh doanh TSTT,…) với tổng giờ học trên lớp là 450 giờ (tương đương 600 tiết). Giải thưởng Sáng chế lần V có 18 sáng chế nộp hồ sơ dự thi, trong đó 8 sáng chế đáp ứng điều kiện dự thi và ban tổ chức đã trao 7 giải thưởng sáng chế lần V (1 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích). Giải nhì được trao cho sáng chế “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” (chủ sở hữu Trần Kim Quy, Trần Lê Quân).

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả