SpStinet - vwpChiTiet

 

Tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo

Ngày 10/8, tại TP.HCM, Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cơ khí chế tạo (CKCT). Tuy nhiên, hiện nay số doanh nghiệp (DN) hỗ trợ chỉ chiếm 0,03% trong tổng số DN đang hoạt động trên cả nước và năng lực ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước.

Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay cả nước có khoảng 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước một số ngành trọng điểm như ô tô chỉ từ 20 – 30%, da giày, dệt may trên 10%,... nên giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém. Ngành CKCT có khoảng 3.100 DN, với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vì hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị. Tình trạng chung của các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ thiết bị còn lạc hậu, sản xuất manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao. Chính sách hỗ trợ của nhà  nước mặc dù đầy đủ nhưng DN chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Việc đầu tư cho ngành CKCT còn phân phán, chưa đồng đều,...

Ông Nguyễn Đình Hậu (Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) cho biết, đối với ngành CNHT và CKCT, các cơ chế, chính sách đã được quy định trong Luật chuyển giao công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể như miễn thuế nhập khẩu với những hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế thu nhập cho DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm;... Trong hoạt động CGCN, từ năm 2006 - 2015, đã có 838 hợp đồng được chuyển giao. Các chợ công nghệ và thiết bị đã ký được 6.768 biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ với tổng giá trị giao dịch là 8.306 tỷ đồng. CGCN qua các dự án FDI cũng đã du nhập được nhiều công nghệ mới, hiện đại vào trong nước, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, điện tử, ô tô xe máy,... Tuy nhiên, theo ông Hậu, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại đối với sự phát triển của hai ngành này. Đó là chính sách thu hút công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế; còn thiếu chính sách đặc thù, giải pháp mạnh mẽ, định hướng ưu tiên phù hợp từ nhà nước; cơ chế hỗ trợ tài chính cho NCKH và CGCN còn nhiều bất cập, hoạt động chuyển giao kết quả NCKH cho các DN còn hạn chế;...

Để thúc đẩy CNHT và CKCT phát triển, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần có kế hoạch đánh giá trình độ công nghệ đối với các ngành hàng sản xuất công nghiệp chủ lực; lập ngân hàng dữ liệu thông tin về công nghệ để hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn DN trong việc tìm kiếm thị trường công nghệ; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN, tạo ra sản phẩm công nghiệp có chất lượng, giá trị gia tăng cao; hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề; xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư;… Nhà nước nên tăng cường phát triển thị trường công nghệ, cũng như có cơ chế hỗ trợ vốn, đẩy mạnh hoạt động quỹ phát triển KH&CN quốc gia, để giúp các DN đổi mới công nghệ. Ngoài ra, các bộ ngành cần can thiệp địa phương để ngân sách cấp cho hoạt động KH&CN theo đúng quy định; Chính phủ sớm xây dựng chiến lược công nghiệp chế tạo quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Bộ KH&CN cần có hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức tập huấn cho các địa phương trong việc tổ chức đánh giá các chỉ tiêu đề ra của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020; cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các cơ chế chính sách, trường hợp cần thiết sẽ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu, CGCN một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm trong ngành CNHT và CKCT,…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả