SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhận diện tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp khởi nghiệp

Đây là chủ đề của hội thảo do Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN (Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN) tổ chức ngày 11/4 tại Saigon Innovation Hub. Nội dung chia sẻ tại hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các tài sản trí tuệ (TSTT) và khai thác một cách hiệu quả để đem lại lợi ích cao nhất ngay từ giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Cụ thể, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh những nội dung về nhận diện tài sản vô hình và TSTT trong doanh nghiệp khởi nghiệp; quản trị TSTT trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; hoạt động hỗ trợ nhận diện, áp dụng cơ chế bảo hộ phù hợp, xây dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả các TSTT; kinh nghiệm áp dụng và hiệu quả của việc áp dụng quản trị TSTT đối với doanh nghiệp khởi nghiệp;…

Theo ông Phạm Xuân Đà (Cục trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN), trong xu thế hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải quan tâm đến vấn đề tài sản vô hình, TSTT nếu muốn tồn tại, cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, khó tiếp cận. Doanh nghiệp gặp nhiều cản trở bởi các thủ tục đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn rối rắm, tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian. Ở nước ngoài, các nhà sáng chế sáng tạo luôn hoạt động song hành với luật sư chuyên ngành, có hiểu biết sâu sắc về TSTT để hỗ trợ tư vấn các thủ tục đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nguồn chi phí khá cao, trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về tài chính. Do vậy cần bàn đến vai trò hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề.

Ông Nguyễn Hải An trình bày về hoạt động hỗ trợ nhận diện TSTT trong doanh nghiệp. Ảnh: LV.

Ông Nguyễn Hải An (Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao - AHBI) cho biết, thời gian qua AHBI đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng nhận diện và lựa chọn cơ chế bảo hộ TSTT phù hợp cho các doanh nghiệp ươm tạo tại AHBI. Hằng năm AHBI đều tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về SHTT cho các doanh nghiệp tham gia ươm tạo, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hoạt động quản trị TSTT; thường xuyên phổ biến và hỗ trợ đăng ký cho các doanh nghiệp ươm tạo tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên sâu về SHTT do các đơn vị có uy tín tổ chức. Bên cạnh đó, AHBI đã thành lập ban quản trị TSTT, xây dựng và ban hành quy chế quản trị TSTT tại đơn vị. Nhờ vậy, AHBI đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ tổ chức quản trị TSTT trong doanh nghiệp ươm tạo như hướng dẫn nhận biết các đối tượng SHTT và cách thức đăng ký xác lập quyền đối với tên thương mại, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp,… Cụ thể, Trung tâm đã hỗ trợ, hướng dẫn cho các công ty nông nghiệp Phương Nam, Suru Suru, TCS, Nông Phát, Vuông Tròn,… các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; hỗ trợ công ty TNHH Vina – Invitro, công ty Yến sào LoveNest các thủ tục đăng ký độc quyền sáng chế.

Qua thực tiễn hoạt động hỗ trợ, tư vấn quản trị TSTT trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải An cho rằng, việc đầu tư để tạo dựng, đăng ký sử dụng, phát triển và bảo vệ các TSTT (còn gọi là quản trị TSTT) là hết sức cần thiết với bất cứ một doanh nghiệp nào, nhất là trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Việc đầu tiên của quản trị TSTT mà doanh nghiệp cần làm đó là thống kê, đánh giá và phân loại các TSTT hiện có trong doanh nghiệp, sau đó thực hiện việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu mà doanh nghiệp chưa đăng ký. Các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm có thể liên hệ với AHBI để được hỗ trợ, hướng dẫn nhận biết các đối tượng TSTT cần thiết và cách thức bảo hộ cho từng đối tượng phù hợp với tình hình hiện tại của mình.

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về áp dụng quản trị TSTT. Ảnh: LV. 

Theo ông Đinh Minh Hiệp (Trưởng ban, Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả,… Ứng dụng công nghệ là các công nghệ tiến bộ về giống cây, con, công nghệ canh tác, chăn nuôi tiên tiến, tưới, sau thu hoạch – bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thị trường. Hiện có nhiều đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực này và việc nhận diện, xác lập các quyền TSTT (quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) cũng là bài toán cần quan tâm giải đáp. Tuy nhiên, quản trị TSTT là vấn đề phức tạp, cần có những suy nghĩ nghiêm túc về nhận diện, tiếp cận cách thức bảo hộ nó. Nói cách khác, cần có bộ phận quản trị TSTT trong doanh nghiệp.

Đại diện LoveNest chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả áp dụng quản trị TSTT trong doanh nghiệp. Ảnh: LV.

Tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH Yến sào LoveNest đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn áp dụng và hiệu quả của việc quản trị TSTT trong doanh nghiệp khởi nghiệp. LoveNest tham gia ươm tạo tại AHBI và được hỗ trợ tiếp cận bảo hộ SHTT (đăng ký 4 sáng chế độc quyền và 1 kiểu dáng công nghiệp). Trong đó, 2 sáng chế về lưới tổ yến treo và đà tổ yến cấu trúc kim tự tháp đã được đưa ra thị trường giúp mang lại doanh thu mạnh cho doanh nghiệp. Việc thương mại hóa sáng chế thành công không chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp mà còn nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt của thị trường. Qua đó, LoveNest cho rằng, để có được một sáng chế tốt, cần bắt nguồn từ nhu cầu của thị trường, giải quyết được nhu cầu thực tiễn của thị trường, đồng thời cần tập trung khai thác và bảo vệ TSTT để tạo thế mạnh lớn cho doanh nghiệp. Về TSTT, cần tìm hiểu sâu, tìm người tư vấn có tâm và am hiểu về cơ chế bảo hộ để giúp doanh nghiệp có thể bảo rộng nhất; có chiến lược thị trường bài bản cho sáng chế trước khi đăng ký bảo hộ.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả