SpStinet - vwpChiTiet

 

Sơ kết hai năm triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP. HCM

Ngày 16/1, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển vi mạch, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Hội Vi mạch bán dẫn TP.HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM (2012 – 2014).

“Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 – 2020” được UBND TP.HCM phê duyệt vào ngày 14/12/2012 với 7 mục tiêu, chương trình cụ thể như: Đào tạo thiết kế vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; Xây dựng nhà máy sản xuất chip; Xây dựng nhà thiết kế. Trong quá trình triển khai thực hiện, để hoàn thiện chương trình, UBND TP. HCM đã chấp thuận bổ sung thêm 3 đề tài, dự án: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; Phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab - to - Fab) và Phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Những đề tài, dự án này nhằm tạo nên một hệ sinh thái toàn diện cho ngành công nghiệp vi mạch TP.HCM, khẳng định quyết tâm của thành phố trong công cuộc phát triển công nghiệp bán dẫn vi mạch.

Sau 2 năm triển khai, Chương trình đã bước đầu hoàn thiện các văn bản pháp lý, khảo sát nhu cầu chính sách và chương trình thực hiện phát triển ngành vi mạch thành phố. Bên cạnh đó, Chương trình đã đạt được một số kết quả trong quá trình thực hiện đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip, xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch, hợp tác quốc tế,… Đồng thời, những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công như chip SG – 8V1, KIT DE – 8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ,…

Theo ông Lê Mạnh Hà (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 20 tỷ chip các loại, là cơ sở để TP. HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành một ngành kinh tế chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Ông Hà nhấn mạnh, trong năm 2015, Chương trình phát triển vi mạch của thành phố phải tập trung cho thị trường. Nếu không có thị trường, sẽ không có nhà máy và không có công nghệ nào đi theo cả. Vì vậy, ông Hà đề nghị các doanh nghiệp trong nước phải dùng vi mạch của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, điện lực, hàng không,… Đồng thời, trong thời gian tới, thành phố sẽ có nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư không hạn chế, nhằm mở rộng thị trường, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đưa thành phố trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch.
LV

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả