SpStinet - vwpChiTiet

 

Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng các nhiệm vụ kết nối sáng tạo

Các nhiệm vụ bao gồm: Xây dựng và phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Sàn Giao dịch công nghệ; Xây dựng nền tảng thúc đẩy hoạt động ĐMST; Phát triển hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ và ĐMST.

Ba nhiệm vụ trên được Sở KH&CN TP.HCM đặt hàng tại Hội nghị công bố đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tổ chức ngày 30/6, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kết nối sáng tạo năm 2020.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, việc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm kết nối, thúc đẩy hỗ trợ hoạt động ĐMST, thu hút các ý tưởng hay từ cộng đồng khởi nghiệp, có định hướng cho từng ngành để cùng nhau xây dựng và phát triển. Điểm khác biệt của đặt hàng này là quá trình hợp tác chặt chẽ giữa người đặt hàng và người tham gia giải quyết vấn đề đặt hàng, thay vì chỉ có bên giải quyết vấn đề thực hiện. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên đặt hàng sẽ cùng theo sát với bên giải quyết để đưa ra các ý tưởng, cách thức thực hiện phù hợp thực tế và hoàn thiện ý tưởng đạt hiệu quả cao nhất. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng nêu trên do Sở KH&CN cấp. Quá trình gồm 2 giai đoạn: tiếp nhận các ý tưởng, đề xuất tham gia giải quyết nhiệm vụ từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng khởi nghiệp và tiến hành đánh giá tuyển chọn ban đầu; chọn ý tưởng tốt nhất và cấp kinh phí triển khai thực hiện.

Theo đó, nhiệm vụ Xây dựng và phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM có mục tiêu chính là kết nối nghiên cứu khoa học và ĐMST nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN tại TP.HCM.

Ông Võ Duy Khanh (Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN) giới thiệu các yêu cầu đặt hàng Xây dựng và phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ và ĐMST. 

Ông Võ Duy Khanh (Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, đơn vị vận hành Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM) cho biết, nền tảng này tạo ra môi trường cho các bên cung công nghệ - tổ chức trung gian - bên cầu công nghệ có thể tham gia, kết nối với nhau. Bên cung (các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, nhà sáng chế, startup) và các tổ chức trung gian (chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ, tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư) có thể đưa tất cả các thông tin sản phẩm, dịch vụ của mình trên nền tảng này như kết quả nghiên cứu, dự án khởi nghiệp, công nghệ sẵn sàng chuyển giao, sáng chế - giải pháp hữu ích, dịch vụ tư vấn, dịch vụ tài chính,…Yêu cầu về chức năng hệ của thống này là giao dịch công nghệ trực tuyến, chia sẻ thông tin và tri thức, cho phép bên cung giới thiệu năng lực, kết quả nghiên cứu, dịch vụ để doanh nghiệp tra cứu, đặt vấn đề chuyển giao công nghệ, hợp tác phát triển công nghệ; hỗ trợ tương tác trực tuyến để chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận, tư vấn các vấn đề phát sinh trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Về tính năng và công nghệ, hệ thống cho phép đăng tải thông tin, tìm kiếm thông minh, trao đổi - chia sẻ - tư vấn trực tuyến, thu phí dịch vụ, so sánh - đánh giá công nghệ và theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình chuyển giao công nghệ, đánh giá kết quả ứng dụng của quá trình đó.

Bà Phan Thị Quý Trúc (Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ) trình bày các yêu cầu về nền tảng thúc đẩy hoạt động ĐMST.  

Về nhiệm vụ Xây dựng nền tảng thúc đẩy hoạt động ĐMST, bà Phan Thị Quý Trúc (Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH&CN) cho biết, hệ sinh thái ĐMST của TP.HCM hiện có nhiều thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, như 31 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; 10 không gian làm việc chung; 109 trường đại học và cao đẳng; trên 200 chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp; trên 3.000 dự án khởi nghiệp ĐMST tham gia hơn 60 cuộc thi; 40 quỹ đầu tư (13 quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp tư nhân); 390.000 doanh nghiệp; 1.920 starups; gần 15 nhóm nghiên cứu về lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo); hơn 350 dự án được ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo;…

Tuy nhiên, hiện chưa có nền tảng trực tuyến liên kết các thành phần trong hệ sinh thái; tập trung toàn bộ thông tin, dữ liệu của các thành phần trong hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ĐMST của Thành phố. Bên cạnh đó, chưa có một môi trường trực tuyến (online) chia sẻ kiến thức và kỹ năng tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để phát triển ý tưởng và sản phẩm; giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ; kết nối với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST;… Vì vậy, cần xây dựng nền tảng trực tuyến kết nối các thành phần trong hệ sinh thái thúc đẩy hoạt động ĐMST. Mục tiêu là tạo môi trường kết nối online cho các thành phần trong hệ sinh thái, cộng đồng khởi nghiệp; là nền tảng hỗ trợ toàn diện cho các startup, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các startup phát triển từ đầu đến cuối (từ giai đoạn học tập tại trường, giai doạn ý tưởng, đến tiền ươm tạo, ươm tạo, tăng tốc, phát triển và tăng trưởng). Đồng thời, tạo môi trường cho các thành phần trong cộng đồng khởi nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối và chia sẻ nguồn lực hiện có; thúc đẩy các hoạt động tư vấn, đào tạo cộng đồng về ĐMST, các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn Thành phố; giúp thu hút vốn đầu tư cho startup.

Theo bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng (Phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN), mục tiêu của nhiệm vụ Phát triển hệ thống quản lý nhiệm vụ KHCN&ĐMST là xây dựng nền tảng hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, kết nối các hoạt động nghiên cứu khoa học và ĐMST; tạo ra hệ thống quản lý hồ sơ nhiệm vụ KH&CN, tương tác và làm việc trên mạng.

Hiện nay Sở đã có phần mềm quản lý các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, tuy nhiên số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu tăng dần qua các năm và phần mềm hiện tại chỉ đáp ứng các chức năng cơ bản, còn hạn chế là khả năng tương tác chưa cao (giữa Sở KH&CN và các tổ chức/cá nhân chủ trì nhiệm vụ, các phòng chức năng trong Sở, giữa Sở và các đơn vị quản lý ngân sách khoa học khác). Do đó, nền tảng quản lý nhiệm vụ KHCN&ĐMST cần thống nhất phương pháp và quy trình quản lý nhiệm vụ KHCN&ĐMST tại Sở KH&CN; nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện nhiệm vụ, tăng hiệu quả quản lý ngân sách KH&CN; kết nối cơ quan quản lý (Sở KH&CN, cơ quan khác) và các tổ chức/cá nhân thực hiện nhiệm vụ, tổ chức/cá nhân thụ hưởng kết quả nhiệm vụ. Các chức năng chính hệ thống cần có là quản lý nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ KHCN&ĐMST; quản lý tài sản từ nhiệm vụ KHCN&ĐMST; quản lý hợp đồng và kinh phí nhiệm vụ; quản lý tổ chức/cá nhân thực hiện nhiệm vụ; quản lý cơ sở dữ liệu chuyên gia; phân luồng công việc, quản trị công việc; báo cáo thống kê;… Đối tượng sử dụng hệ thống này là Sở KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN; Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN; cùng với các đối tượng khác như các hội đồng khoa học, các chuyên gia KH&CN, các tổ chức/cá nhân chủ trì, thực hiện nhiệm vụ, các tổ chức/cá nhân thụ hưởng sản phẩm nghiên cứu, đơn vị sử dụng ngân sách KH&CN khác,…

Thông tin chi tiết về các nhiệm vụ, có thể liên hệ trực tiếp tại Sở KH&CN TP.HCM (244 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP.HCM).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả