SpStinet - vwpChiTiet

 

Thêm nguồn lực hỗ trợ đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường

Ngày 24/5, VinTech City (thành viên của Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình hợp tác đại học – hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ. Trong đó, VinTech Fund là quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ có tính ứng dụng cao vào thị trường.

VinTech Ciy thuộc Công ty VinTech được Tập đoàn Vingroup thành lập, hướng đến mô hình thung lũng Silicon Valley (Mỹ). Bên cạnh rất nhiều những thành tố tạo nên Silicon Valley, có 3 thành tố quan trọng luôn được nhắc đến là nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ.

Bà Trương Lý Hoàng Phi (Tổng Giám đốc VinTech City) cho biết, với 3 thành tố quan trọng trên, VinTech City sẽ bắt đầu với nhân tài công nghệ, thông qua việc triển khai các chương trình hợp tác đại học và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp công nghệ.

VinTech City đã khảo sát và làm việc trực tiếp với 54 trường đại học công nghệ tại Việt Nam để thiết kế các hoạt động hợp tác và tài trợ cụ thể. Theo đó, các nội dung hợp tác đã được ký kết gồm hợp tác về tài trợ dự án nghiên cứu khoa học công nghệ; hợp tác về trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; hợp tác về giảng dạy và chia sẻ tri thức; hợp tác về cung cấp nguồn nhân lực. Xoay quanh các nội dung hợp tác này, VinTech City sẽ triển khai 6 chương trình cụ thể gồm: quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund; chương trình tài trợ lab nghiên cứu; tổ chức, đồng tổ chức và tài trợ các hội thảo, sự kiện lớn về nghiên cứu ứng dụng và nhân lực công nghệ; chương trình học kỳ doanh nghiệp; chương trình đào tạo SAP (nâng cao năng lực chuyên môn và cơ hội việc làm cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động, đặc biệt trong các tập đoàn, doanh nghiệp lớn); tài trợ và hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ công nghệ và khởi nghiệp trong sinh viên.

Bà Trương Lý Hoàng Phi giới thiệu về các chương trình hợp tác và hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: LV.

Trong đó, VinTech Fund ngoài nguồn lực tài chính tài trợ lên đến 10 tỷ đồng, còn tạo cơ hội mang một sản phẩm khoa học và công nghệ từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn ra thị trường thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ về góc nhìn thị trường, cơ hội hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và sau quá trình nhận hỗ trợ từ quỹ.

Đối tượng tham gia quỹ này là các chuyên gia, nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu, giảng viên có dự án nghiên cứu tạo ra giải pháp/sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa cao và các startup công nghệ. VinTech Fund sẽ xem xét các dự án đề nghị tài trợ dựa trên các yếu tố công nghệ ứng dụng, khả năng thương mại hóa, uy tín/năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu. Quỹ mở từ 3-4 đợt xét duyệt trong năm, riêng năm 2019 sẽ mở 3 đợt xét duyệt và tài trợ tối đa 15 dự án. Khung thời gian cho đợt 1 (tháng 5/2019) là: tiếp nhận hồ sơ đến 15/6/2019; xét duyệt dự án từ 16/6–15/7/2019; công bố danh sách 3 dự án được nhận tài trợ đợt 1 (30/7/2019).

Tại hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ”. Các diễn giả tham gia phiên trao đổi này gồm PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), ông Trương Quốc Hùng (Tổng Giám đốc VinBrain – 25 năm là kỹ sư và lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm Tập đoàn Microsoft – Mỹ), ông Phí Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM), TS. Đinh Bá Tiến (Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt (Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ TP.HCM) và bà Trương Lý Hoàng Phi.

Các diễn giải tại phiên thảo luận về nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Ảnh: LV.

Các diễn giả cho rằng, để đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường, cần tạo môi trường để các sản phẩm nghiên cứu được triển khai nhiều hơn, trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Nói cách khác, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sáng chế cũng như các đơn vị tạo ra giải pháp công nghệ thường gặp khó khăn là cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm sản phẩm để đưa ra thị trường. Trên con đường từ ý tưởng sản phẩm hay sản phẩm từ phòng lab ra thị trường tồn tại khá nhiều trở ngại (được gọi là các yếu tố dẫn đến thung lũng chết của một sản phẩm công nghệ hay các startup công nghệ). Bên cạnh môi trường trải nghiệm còn có các yếu tố về tài chính, khả năng cảm nhận thị trường, văn hóa, mô hình kinh doanh,…có thể khiến các sản phẩm rơi xuống “thung lũng chết” trước khi ra được thị trường. Do vậy, ngoài việc tiếp cận được với môi trường để trưởng thành (với các startup), phải tiếp cận được nguồn tài chính tương đối ổn định, đồng thời có góc nhìn, tầm nhìn tương lai tốt, từ đó định hướng nghiên cứu và tiếp cận thị trường đúng. Mặt khác, đội ngũ nhân lực rất quan trọng. Một đội ngũ tiên tiến, sáng tạo, có trí tuệ và nhiệt huyết phải luôn định hướng và phải hiểu sản phẩm mình làm ra cho ai dùng, mang lại giá trị gì, khi nào thực hiện,…

Chương trình hỗ trợ hợp tác hướng đến các trường đại học như VinTech City đang triển khai sẽ thêm gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong việc hình thành nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; hỗ trợ các nhà khoa học, nhà sáng chế, các mô hình khởi nghiệp, các giảng viên và sinh viên công nghệ có thêm nguồn lực để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có lợi thế cạnh tranh, đồng thời, tạo cầu nối cũng như hệ sinh thái hỗ trợ cho các sản phẩm công nghệ có điều kiện thương mại hóa tốt hơn.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả