SpStinet - vwpChiTiet

 

Khai thác nền tảng công nghệ số để đổi mới là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

Theo khảo sát của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) về trình độ công nghệ của doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thụ động và còn mang tính tình huống, do yêu cầu khách quan nảy sinh trong quá trình sản xuất, chưa có kế hoạch dài hạn.

Đây là thông tin được công bố tại hội thảo “Giải pháp phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 23/10. Theo đó, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có trình độ lạc hậu chiếm 2,49%, trình độ trung bình chiếm 75,52%, trình độ trung bình tiên tiến chiếm 15,54%. Hầu hết các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thụ động và còn mang tính tình huống, do yêu cầu khách quan nảy sinh trong quá trình sản xuất, chưa có kế hoạch dài hạn.

Thực tế, tốc độ đổi mới thiết bị công nghệ, triển khai công nghệ mới của các doanh nghiệp còn chậm, mức độ đầu tư đổi mới công nghệ mới chỉ đạt khoảng 0,5% doanh thu/năm, chủ yếu là chi mua trang thiết bị, máy móc, phần cứng đang hạn chế việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất,…khiến nhiều sản phẩm trong nước có giá cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu. 

Với môi trường cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng, nắm bắt công nghệ và tận dụng những nền tảng công nghệ số để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất thì sẽ nhanh bị tụt hậu, và khi đó nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường là rất lớn.”, bà Chu Vân Hải – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đặt vấn đề.

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đặt vấn đề về đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp và chuyển đổi số.

Với báo cáo đề dẫn về tình hình chuyển đổi số của thế giới và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Tấn Tiến (Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống - DCSE Lab) cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Theo khảo sát của PwC năm 2018, có đến 30% doanh nghiệp "từng nghe về chuyển đổi số, nhưng chưa rõ", 29% "hiểu khái niệm nhưng không rõ về những tác động", 14% "hiểu biết có giới hạn" và chỉ có 27% là "hiểu đầy đủ các khái niệm, tác động".

Triển khai các hoạt động theo Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, DCSE Lab đã đẩy mạnh các công tác nghiên cứu, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong đó, DCSE hướng đến thay đổi mô hình kinh doanh hoặc xây dựng mô hình kinh doanh mới nhằm tối ưu nguồn lực của doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng các chỉ số có được từ hoạt động thu thập, phân tích cơ sở dữ liệu kỹ thuật số. DCSE Lab cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về phân tích dữ liệu kinh doanh, máy học, khoa học dữ liệu… cho đối tượng là doanh nghiệp, sinh viên.

Đóng góp với hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuệ (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng, nhiều chủ doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về chuyển đổi số vì còn nhiều thuật ngữ chuyên môn chưa được giải thích rõ ràng, hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số chưa thực sự hiệu quả. Do đó, theo ông, cần có hướng tuyên truyền mới, gần gũi hơn, dễ tiếp cận hơn để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và triển khai kế hoạch chuyển đối số phù hợp.

Với ông Đào Hà Trung (Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM), chuyển đổi số là việc tất yếu phải thực hiện để nắm bắt sớm cơ hội. Về nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, ông đề nghị xem blockchain là công nghệ hạ tầng cơ bản, vì đây là công nghệ đang được nhiều cường quốc quan tâm. Mặt khác, Hội Công nghệ cao TP.HCM đã nghiên cứu rất sâu về blockchain trong nhiều năm qua, nên sẵn sàng đưa ra sử dụng ngay. Hơn nữa, do được triển khai bằng nguồn lực trong nước nên chi phí rất rẻ.

Tham gia vào các hoạt động hỗ trợ thông tin KH&CN cho các đơn vị và doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đang đẩy mạnh các hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm kiếm thông tin, kết nối và tư vấn chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, trong đó có nhiều giải pháp số hóa, tự động hóa, điện toán đám mây, công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo,...Toàn bộ thông tin yêu cầu công nghệ, sau khi tiếp nhận, đều được CESTI sàng lọc và xác thực, sau đó chuyển đến các nhà cung ứng giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Những thông tin này đều được công bố công khai trên website http://cesti.gov.vn và Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn).”, bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc CESTI chia sẻ.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) chia sẻ về các hoạt động cung cấp thông tin và kết nối chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc công bố trên 3.000 kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Thành phố và cấp cơ sở tại địa chỉ www.cesti.gov.vn, dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, CESTI còn xây dựng và phát triển Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM - STINET (Science & Technology Information Network), với sự tham gia của 39 cơ quan nghiên cứu và trường đại học. Hệ thống cho phép tra cứu, truy cập đến các tài liệu toàn văn (sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo...) được chia sẻ tại các đơn vị thành viên, theo cơ chế mở và không thu phí, hướng đến mục tiêu phát triển và phong phú hóa nguồn lực thông tin KH&CN, phục vụ hữu hiệu các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu - giảng dạy, sinh viên, học sinh, doanh nghiệp và cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để người dùng tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin KH&CN trên địa bàn Thành phố.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ phát triển đồng bộ, hình thành các tổ chức mạnh có thể thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Các trung tâm này sẽ làm cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, như chuyển đổi số. Công tác truyền thông về KH&CN và chuyển đổi số cũng sẽ được đẩy mạnh tốt hơn nữa đối với các doanh nghiệp và viện trường, gắn kết tốt hơn nữa mối quan hệ 3 nhà (nhà nước – nhà nghiên cứu – nhà doanh nghiệp) và thêm nhiều tọa đàm chuyên sâu hơn nữa sẽ được tổ chức tại TP.HCM, như đúc kết của bà Chu Vân Hải cuối buổi hội thảo.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả