SpStinet - vwpChiTiet

 

TP. HCM tìm kiếm công nghệ phù hợp trong xử lý rác đô thị

Chiều 14/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị - nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp, công nghệ có tính khả thi để tận dụng nguồn năng lượng lớn từ rác thải cũng như xử lý rác thải tại TP.HCM hiệu quả hơn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã tham dự và chủ trì hội thảo.

Theo đó, mỗi ngày, TP. HCM đang phát sinh khoảng 7.500-8.000 tấn rác. Hầu hết khối lượng rác thải này, bao gồm cả chất thải nguy hại, đều được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí cũng như gây hiệu ứng nhà kính. Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây, thành phố đã đầu tư nhiều giải pháp xử lý, đồng thời tiếp tục tìm kiếm những phương án đầu tư và công nghệ tối ưu phù hợp với thành phố. Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện…

Tại hội thảo, các đơn vị đã giới thiệu các công nghệ xử lý rác hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… với các quan điểm khác nhau để TP.HCM lựa chọn. Trong đó, phương pháp xử lý rác thải rắn bằng thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến, cho phép xử lý nhanh, hợp vệ sinh, không chiếm nhiều diện tích đất, không gây ô nhiếm đất, nước và môi trường. Theo các chuyên gia, việc chôn rác như hiện nay doanh nghiệp chỉ thu được 20 USD/tấn rác thải. Trong khi đó, nếu đốt rác thành điện sẽ thu về cho doanh nghiệp thêm 20 USD từ nguồn bán điện. Nếu đầu tư một nhà máy đốt rác, thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 10 năm. Thời gian gần đây cũng đã có một số nhà đầu tư quan tâm, đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM như: Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày, hoặc Tập đoàn Hansol (Hàn Quốc) đề xuất dự án đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, việc đốt rác phát điện vẫn còn hạn chế do chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, chi phí vận hành cao, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư…

Theo ông Lê Mạnh Hà, hiện cơ chế, chính sách của thành phố về xử lý rác thải phát điện đã có, vấn đề vốn vay cũng đã có ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ. Chỉ cần có dự án tốt và quyết tâm triển khai, thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại, xử lý rác, bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần có sự phối hợp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Mặt khác, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều lợi ích và phù hợp với xu hướng chung, nhưng nguồn rác đáp ứng yêu cầu để một nhà máy (công suất khoảng 1.000 tấn/ngày) vận hành ổn định hiện nay vẫn là một trong những khó khăn còn tồn đọng. Sắp tới, TP.HCM sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa vào ứng dụng công nghệ xử lý rác phù hợp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả