SpStinet - vwpChiTiet

 

Gần 400 đại biểu tham dự diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước

Sáng 26/6, tại TP.HCM, diễn đàn Kết nối startup Việt trong và ngoài nước do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức đã khai mạc. Gần 400 đại biểu trong và ngoài nước gồm lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Thành ủy, UBND, các sở ngành của TP.HCM cùng nhiều doanh nhân trẻ, nhà đầu tư, diễn giả, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn, startup tiêu biểu, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, sinh viên các trường đại học,… đã tham dự sự kiện này.

Đây là dịp để các startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; kết nối các startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư. Qua đó, tạo cơ hội để các startup của người Việt ở trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với diễn giả quốc tế tại diễn đàn. Ảnh: LV.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố văn minh hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp ngày càng lớn cho khu vực phía Nam và cả nước. Một trong những điểm yếu của TP.HCM, cũng như cả nước, là khi nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) thì sự kết nối giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục điều này, cần đẩy mạnh thị trường KH&CN, làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được với các sản phẩm khoa học và có thói quen đặt hàng với các nhà nghiên cứu. Đồng thời, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, những người khởi nghiệp phải học hỏi thêm về cách làm kinh tế từ doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường nhằm xác định những gì cần làm để phù hợp nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, để phát triển bền vững, thành phố cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp cần một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, có khả năng về công nghệ và tài chính, đồng thời học hỏi thêm từ kinh nghiệm của chính những người Việt ở quốc tế.

Ông Slomo Nimrodi (Giám đốc điều hành Ramot) trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: KT.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), so với cả nước, TP.HCM có nguồn lực KH&CN chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KH&CN lần lượt chiếm 42% và 15%. Ngân sách chi cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2016 - 2017 là 2.041.979 triệu đồng (khoảng 90 triệu USD), bằng 1,7% tổng chi của thành phố. Trong đó, kinh phí chi đầu tư phát triển KH&CN chiếm tỷ lệ  55,2%, kinh phí chi cho sự nghiệp khoa học chiếm tỷ lệ 44,8%. Đây cũng là tiềm lực khá mạnh để thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. Thành phố hiện có trên 760 nhóm cá nhân/tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, trong đó có 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của nhà nước (giai đoạn từ 2011 đến nay). Ngoài ra, 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư, trong số này, khoảng 70% đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư.

Thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, thể hiện nỗ lực trong việc xây dựng nền tảng phát triển cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như: hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất; hỗ trợ đào tạo tư vấn nâng cao năng lực; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, ươm tạo doanh nghiệp; kết nối - hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các thành phần của hệ sinh thái; thành lập ban điều hành về thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;…

Tuy nhiên, các startup Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn thiếu kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công trong nước và quốc tế. Thành phố có không ít các dự án khởi nghiệp tiềm năng, khá nhiều các dự án này phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Sự trao đổi liên kết hợp tác giữa các startup trong nước và ngoài nước, đặc biệt với các startup của người Việt ở nước ngoài còn chưa cao. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, năng cao năng suất chất lượng sản phẩm; giúp cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: KT.

Tại phiên toàn thể của diễn đàn với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, 8 diễn giả là các chuyên gia nổi tiếng đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới đã trình bày các bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, đưa startup Việt ra với thế giới như: ông Shlomo Nimrodi (Israel, Giám đốc điều hành Ramot); bà Thạch Lê Anh (Đồng sáng lập Vietnam Startup Foundation và Vietnam Silicon Valley Accelerator); bà Lê Diệp Kiều Trang (Giám đốc FaceBook Việt Nam); ông Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Rynan Holdings JSC kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài); ông Gibs Song (Quỹ đầu tư Big Basin Capital - Mỹ); ông Tuấn Phạm (Giám đốc điều hành Sillicon Valley Bank – Mỹ); ông Nguyễn Francis Tuấn Anh (chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm khu vực Đông Nam Á, Microsoft Vietnam); bà Linh Lê (Sáng lập và Giám đốc điều hành Bonbouton).

Diễn đàn sẽ diễn ra đến hết ngày 27/6/2018. Đây là sự tiếp nối thành công của diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ tháng 12/2017 với 150 đại biểu tham dự, cùng nhiều phiên thảo luận và tham luận của các  diễn giả, tập trung vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và thành công của thế giới, kinh nghiệm của các startup của người Việt tại Hoa Kỳ.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả