SpStinet - vwpChiTiet

 

Hướng xử lý nước thải nhiễm mặn bằng sinh học tại Việt Nam

Theo thông tin từ Thủy sản Việt Nam, diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam là hơn 685.000 ha, sản lượng  hơn 660.000 tấn và có hơn 500 nhà máy chế biến thủy sản trên toàn quốc. Chỉ tính riêng số lượng nước nhiễm mặn thải ra từ những hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản từ nguồn này cũng đã là một con số rất lớn. Nhằm cung cấp thông tin liên quan đến các hướng nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề này tại Việt Nam, ngày 22/4/2016 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải nhiễm mặn”.
 
Quang cảnh buổi báo cáo. Ảnh: H.M.

Trong buổi báo cáo, TS. Trần Minh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Nhiệt đới Môi trường, cho biết, trong môi trường nước thải nhiễm mặn hay nước thải có độ mặn cao, các vi sinh vật (VSV) mất hoạt tính vì quá trình plasmolysis, làm cho các công nghệ sinh học xử lý nước thải truyền thống không hiệu quả. Do đó, có rất ít phương pháp sử dụng VSV hiệu quả để xử lý nước thải nhiễm mặn. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp hoàn toàn thân thiện với môi trường khi giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, nên trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu nhằm phân lập VSV và tìm kiếm sơ đồ công nghệ sinh học phù hợp.

Theo phân tích xu hướng nghiên cứu xử lý nước thải nhiễm mặn trên cơ sở số liệu sáng chế (SC) quốc tế của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM trên CSDL Thomson Innovation, hiện có khoảng 300 SC nộp đơn đăng ký bảo hộ ở 15 quốc gia về vấn đề này. Giai đoạn 2010-2015, trung bình mỗi năm có 44 SC. Trong các SC, các phương pháp tích hợp trong việc xử lý nước thải nhiễm mặn được quan tâm nhiều nhất, chiếm đến 30% tổng lượng, tiếp theo sau là các phương pháp ứng dụng sinh học trong xử lý nước thải nhiễm mặn chiếm 14%.
 
TS. Trần Minh Chí, nguyên Viện trưởng Viện Nhiệt đới Môi trường trong buổi báo cáo. Ảnh: H.M.

Về tình hình nghiên cứu trong nước, TS. Trần Minh Chí cho biết, hầu hết các đề tài tập trung vào phân lập VSV có khả năng xử lý nước thải nhiễm mặn. Ông cũng giới thiệu đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn mới vừa được thông qua đầu năm 2016 do Viện Nhiệt đới Môi trường chủ trì. Nghiên cứu đã đạt kết quả khả quan ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot. Từ đó, ông và cộng sự cũng đã đề xuất áp dụng một sơ đồ công nghệ sinh học kết hợp tổng quát dùng VSV ưa mặn/chịu mặn để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn đề xuất các phương hướng nghiên cứu hoàn thiện công nghệ theo hướng tăng cường khả năng cố định hóa sinh khối ưa mặn/chịu mặn và nghiên cứu quá trình nitrit hóa ở độ mặn rất cao 25 – 30g/l NaCl. 
 
Hình ảnh đầm nuôi tôm được xử lý nước thải nhiễm mặn. Ảnh: Mà Song Nguyễn

Để minh họa thêm về các ứng dụng sinh học trong xử lý nước thải nhiễm mặn, trong buổi báo cáo còn có sự tham dự của Công ty CP Xử lý môi trường Việt Nam, giới thiệu sản phẩm CleanWater S35 - là sản phẩm hợp tác của Viện Sinh học Nhiệt đới và Công ty Cổ phần xử lý môi trường Việt Nam - có thể ứng dụng trên nước thải có độ mặn cao trên >35 o/oo. Sản phẩm này đã ứng dụng tại các trại nuôi tôm ở thôn Trường Định (Đà Nẵng), xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam), huyện Phù Cát (Bình Định) và một số nhà máy thủy sản.

Hơn 100 khách mời từ các cơ quan và doanh nghiệp đã tham dự buổi báo cáo và đánh giá cao về nội dung thông tin đầy ý nghĩa và hữu ích, thiết thực này.
 
Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả