SpStinet - vwpChiTiet

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ khu vực Nam Bộ

Ngày 28/12, Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Trao đổi thông tin hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông và Tây Nam Bộ” nhằm tổng kết và trao đổi kinh nghiệm hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN của các địa phương, giới thiệu cơ hội phối hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong một số dự án, định hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN.

Theo ông Phạm Ngọc Minh (Cục phó phụ trách Cục Công tác phía Nam), trong năm 2015, Cục Công tác phía Nam đã tích cực tìm kiếm, kết nối và hợp tác với các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức trong việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đổi mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Cụ thể là các hoạt động thăm và làm việc tại Úc với Trung tâm hỗ trợ SME, Trung tâm Thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Đại học Swinburne,… nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ đổi mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển các chương trình kết nối nghiên cứu công nghiệp và chuyển giao công nghệ Úc đến doanh nghiệp Việt Nam. Tham dự các chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền 2015”; “Hội chợ Shizuoka Fair 2015 và kết nối doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại”,… Đồng thời đón và làm việc với các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế về KH&CN nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến hoạt động nghiên cứu khoa học, cầu nối chuyển giao công nghệ đến các doanh nghiệp khu vực phía Nam như Hội thảo kết nối công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc năm 2015; Hội thảo công nghệ dệt may Việt Nam – Hàn Quốc 2015; Hội thảo KH&CN phục vụ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2015,…

Về tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN khu vực Đông và Tây Nam Bộ năm 2015, bà Nguyễn Thị Hoàng Liên (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN – Cục Công tác phía Nam) cho biết, hầu hết các tỉnh thành trong khu vực đều tham gia các hoạt động hội thảo hợp tác quốc tế hay trao đổi thông tin với các chuyên gia – tổ chức nước ngoài. Thế mạnh của các địa phương là đầu tư phát triển mạnh công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp (như các chế phẩm vi sinh, cây công nghiệp, hoa và nấm dược liệu ở Đông Nam Bộ, cây ăn quả và thủy sản ở Tây Nam Bộ).

Một số địa phương đã tiếp tiếp cận và triển khai hiệu quả một số hoạt động hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho đội ngũ cán bộ và kinh tế xã hội. Ví dụ, Đồng Nai có thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN với Đại học Okayama Nhật Bản, giúp tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, trao đổi văn hóa; Trung tâm Phát triển phần mềm thuộc Sở KH&CN Đồng Nai đã được báo chí Nhật Bản tuyên truyền cho chương trình hợp tác giữa Đồng Nai và Công ty phần mềm của Nhật Bản,… Tại Sóc Trăng có các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu cơ bản như hợp tác với Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Kyushu và Đại học Nagoya (Nhật Bản) theo dự án JICA-HUA để nghiên cứu chuyển các gen tăng năng suất Gn1,WFP, gen kháng rầy nấm bph25, gen kháng bệnh bạc lá Xa7; phối hợp với Ngân hàng thế giới triển khai dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng” tại 16 xã phường ven biển; phối hợp với Quỹ Yeosu Foundation và Công ty Quản lý môi trường biển Hàn Quốc triển khai dự án “Nghiên cứu hệ sinh thái ven biển, khảo sát và phân tích chất lượng nước Sóc Trăng, Việt Nam”,… Long An phối hợp với các tổ chức quốc tế (WWF, USAID) triển khai các dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, phát triển bền vững rừng tràm tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với tổng kinh phí 900.000 USD.  

Tuy nhiên, các Sở KH&CN các địa phương còn nhiều hạn chế trong hợp tác quốc tế về công tác tổ chức, nguồn nhân lực, trình độ hội nhập và chiến lược phát triển của lãnh đạo. Cụ thể, bộ phận phụ trách hoạt động hợp tác quốc tế thường kiêm nhiệm nên chưa tập trung phát triển; thực tế nhân sự phụ trách hợp tác quốc tế chỉ được đào tạo thêm về ngoại ngữ và chuyên môn, chưa có các kỹ năng hỗ trợ hợp tác quốc tế (kiến thức về văn hóa, đàm phán, tư vấn,…).

Để phát triển nội lực hoạt động hợp tác quốc tế, các địa phương cần có các hoạt động phát triển hợp tác quốc tế thực sự liên tục như phát triển cán bộ đầu mối phụ trách, mỗi đơn vị phối hợp có một nhân sự phụ trách, thông tin thông suốt giữa người thực hiện – đối tác – người phụ trách – lãnh đạo,… Bên cạnh đó cần phát triển mô hình liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của địa phương và Trung ương để chia sẻ thông tin và năng lực KH&CN cộng đồng; hỗ trợ lẫn nhau về mạng lưới chuyên gia, về thông tin KH&CN; trao đổi thuận lợi khó khăn và các đề xuất về cơ chế chính sách quản lý phát triển,… Về phía Cục Công tác phía Nam, năm 2016 sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác truyền thống của Hàn Quốc, Trung Quốc, mở rộng ra các đối tác của Nhật Bản, Úc, Thái Lan,… tập trung trong lĩnh vực tư vấn, hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường cho các lĩnh vực, địa phương mạnh thuộc khu vực phía Nam.

Hội thảo cũng giới thiệu một số cơ hội hợp tác quốc tế trong một số dự án như Dự án VCIC (Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam) của Bộ KH&CN; chương trình KH&CN Tây Nam Bộ; các dự án Năng lượng tái tạo, Phổ cập giáo dục từ xa (Teach for All) của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM,...
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả