SpStinet - vwpChiTiet

 

Doanh nghiệp là trọng tâm ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN

Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ 13 diễn ra ngày 24/3 tại TP.Biên Hòa do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cùng nhiều vị lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐNB, lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh, thành vùng ĐNB. Hội nghị cũng đã tiếp đón lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh thành ngoài khu vực như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ cùng các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh quan tâm tham dự.

Tại Hội nghị, các báo cáo cho thấy, hoạt động KH&CN của các địa phương trong vùng đã xác định doanh nghiệp là trọng tâm ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, cải tiến sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.


Ví dụ, TP. HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu giai đoạn 2011- 2015 nhằm phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm từ 20-60%. Hoặc chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho gần 200 doanh nghiệp, tư vấn quản lý năng lượng cho 80 doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 80 triệu kWh điện/năm, giảm phát thải hơn 110 ngàn tấn CO2/năm. Tại Đồng Nai, thông qua chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới, tiết kiệm năng lượng… Đến nay đã có 2 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 9,4 tỷ đồng.
 

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Sáng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: LV.
 
Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu ứng dụng nên nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Có thể kể đến một số đề tài, dự án nổi bật của Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM như: xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu; nghiên cứu mô hình sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGap ở Đồng Nai; hệ thống thiết bị sấy thăng hoa có công suất 50 kg/mẻ thử nghiệm đối với thịt gấc; thiết kế chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời công suất 40m3/mẻ sấy; ứng dụng thiết bị tổng đài IP và Video Conference Bách Khoa phục vụ hội chẩn y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin dại dùng cho thú y sử dụng dòng tế bào thường trực; thử nghiệm mô hình sản xuất  hoa cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara trên địa bàn TP. HCM...

Về tốc độ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN, TP.HCM và Đồng Nai là 2 địa phương được đánh giá có tốc độ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN tốt nhất trong vùng. TP.HCM đang từng bước thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, còn Đồng Nai phát triển mô hình Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) Nông thôn trên địa bàn các huyện thông qua hình thức Ngày hội ruộng đồng hàng năm. Đây là một mô hình đặc trưng và có hiệu quả nhằm giới thiệu, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế vẫn tập trung vào nhóm vấn đề về cơ chế tổ chức, đầu tư, tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Một trong những khó khăn là nguồn kinh phí chi cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa còn thấp; đầu tư kinh phí cho hoạt động KH&CN vẫn còn dàn trải; chế độ chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu còn hạn chế… Đặc biệt, quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn rất chậm. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao; việc nghiên cứu giải mã và nội địa hóa công nghệ nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong vùng.

Theo ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai), mặc dù nhận thức được lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác... Do vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư cho KH&CN mà chủ yếu vẫn tận dụng các trang thiết bị công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN, qua đó doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng vừa ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) với tư duy đổi mới về quản lý tài chính, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp cận nguồn tài chính được thuận lợi hơn.

Các đại biểu tại hội nghị cũng thảo luận các giải pháp cho hoạt động KH&CN vùng ĐNB tập trung vào các nhóm trọng tâm như: tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN; lựa chọn nội dung trọng tâm (như công nghệ sinh học trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin) và tập trung nguồn lực tài chính cùng với các cơ chế để có đóng góp thực sự cho sản xuất kinh doanh; xây dựng các chương trình liên kết giữa các Sở trong việc hình thành và phát triển sản xuất một số sản phẩm của vùng; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực của vùng, xác định vai trò vị thế của KH&CN trong từng công đoạn sản phẩm…

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng ĐNB, nhất là lợi thế về sản xuất công nghiệp và dịch vụ, hoạt động KH&CN vùng thời gian tới cần tập trung những lĩnh vực trọng tâm mang tính đột phát. Một trong những hướng trọng tâm của hoạt động KH&CN vùng vẫn là gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, đồng hành tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về các công nghệ trong sản xuất. Các lĩnh vực trọng tâm thời gian tới được xác định gồm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học, cơ chế đồng đầu tư); đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ cao (lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ); tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường KH&CN.  
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả