SpStinet - vwpChiTiet

 

Khai mạc Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam

Sáng 6/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 650 đại biểu trong nước và quốc tế: Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo UBND, đại diện các sở, ngành của 45 tỉnh, thành trên cả nước; Đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), và các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT hàng đầu hàng đầu thế giới và Việt Nam

Chủ đề của Vietnam ICT Summit 2017 là “Việt Nam: Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV”. Diễn đàn thảo luận sâu 04 chuyên đề chính, gồm: “Nhận thức về Việt Nam 4.0” bàn về việc xây dựng chiến lược số để Việt Nam tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và điều kiện thiết yếu để hiện thực hóa chiến lược; “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh” tập trung vào 03 lĩnh vực kinh tế số mà Việt Nam có lợi thế phát triển bứt phá trong cách mạng công nghiệp 4.0; “Thành phố thông minh -Smart City” thảo luận về các tiêu chí, tiêu chuẩn cho thành phố thông minh, những thách thức, giải pháp và các tiếp cận hiệu quả cho các thành phố của Việt Nam để giải quyết các bài toàn kinh tế xã hội của đô thị trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; và “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” phân tích chuyên sâu về công việc tương lai và những kỹ năng mới cần chuẩn bị cho nguồn nhân lực; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cơ hội to lớn để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.

"Vietnam ICT Summit 2017 là cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể thực hiện khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng. Không có một thay đổi nào dễ dàng, nhất là cuộc chuyển đổi cách mạng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lần này. Chúng ta tiếp tục trao đổi về những vấn đề về nhận thức, ưu tiên về những chương trình hành động. Quan trọng nhất chính là thái độ cởi mở, tinh thần có dũng khí vượt mọi khó khăn để nắm bắt thời cơ”, ông Trương Gia Bình cho biết thêm.

Cũng tại buổi Khai mạc Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thăm quan gian hàng trưng bày tại Vietnam ICT Summit 2017

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, về năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, năm 2016 Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu tiên nước ta đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó có một phần đóng góp của công nghệ thông tin. Về chỉ số chính phủ điện tử, Việt Nam tăng 10 bậc, đứng thứ 89 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới bị mã độc nằm sẵn trong các máy tính của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin cần kết nối chặt chẽ, chia sẻ nhiều hơn về dữ liệu, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước đưa hệ thống cáp quang đến với mọi nhà, tiến tới có dữ liệu mở. Về phía doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin để có được các phần mềm công nghệ cao. 

Về vấn đề an ninh  mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: "Chúng ta đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh  mạng. Các doanh nghiệp làm các ứng dụng đặc biệt lưu ý và các doanh nghiệp làm về an ninh mạng. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh của các bạn mà đây còn là trách nhiệm. Về phía nhà nước, các cơ quan nhà nước phải dần dần có những văn bản quy phạm hoàn chính về lĩnh vực này. Chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà không chú ý từ đầu đến các yếu tố từ kỹ thuật, nhân lực, cơ chế về an toàn thông tin, an toàn mạng thì đến lúc chúng ta phải trả giá đắt hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thu được từ ban đầu".

Vietnam ICT Summit là diễn đàn chính sách, công nghệ thường niên với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn kinh tế, các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông, các chuyên gia nghiên cứu và giới truyền thông, để chia sẻ tầm nhìn, xu thế phát triển, đặc biệt là cùng trao đổi các giải pháp lớn đưa công nghệ thông tin làm nền tảng tạo phương thức phát triển mới, hiện đại hóa đất nước.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả