SpStinet - vwpChiTiet

 

Những sáng tạo thay đổi cuộc sống

Triển lãm Sáng tạo Thụy Điển, một chương trình mừng kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển - Việt Nam, vừa diễn ra tại Đại học Hoa Sen (quận 1, TPHCM) với hàng chục công nghệ thiết thực với đời sống xã hội.
 
 
Hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời Solvatten giúp người dân vùng sâu vùng xa có nước sạch.

Đất nước của những sáng tạo

“Sáng tạo và phát triển kinh tế gắn liền với nhau. Việt Nam muốn tăng cường năng lực sáng tạo và đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi Thụy Điển đang được coi là một trong những quốc gia sáng tạo nhất thế giới. Các công ty, trường đại học, cơ quan chính phủ và các tổ chức của Thụy Điển mong muốn được tham gia cùng với Việt Nam và góp phần vào những nỗ lực nâng cao năng lực sáng tạo của Việt Nam, vì lợi ích của đất nước và người dân Việt Nam”, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu như vậy khi nhấn mạnh 2 nước đã có mối quan hệ song phương đặc biệt và độc đáo trong 45 năm qua tại triển lãm.

Cách đây một thế kỷ, Thụy Điển là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Ngày nay, Thụy Điển là một trong những quốc gia sáng tạo và thịnh vượng trên thế giới. Thụy Điển đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển, mang lại những sáng tạo để tạo ra công ăn việc làm, cứu sống con người và cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Ngày nay, nhiều người đều biết và sử dụng máy tạo nhịp tim, hệ thống cho điện thoại di động… là những sáng tạo của Thụy Điển.

Bà Annika Rembe, Viện trưởng Viện Thụy Điển nói: “Từ nhiệt kế Celsius năm 1741 đến phần mềm liên lạc Skype năm 2003, trong suốt lịch sử, Thụy Điển đã được coi là quốc gia của những sáng tạo. Trí tò mò, óc sáng tạo, và mong muốn thay đổi đã làm chúng tôi trở thành những nhà sáng tạo. Chúng tôi dẫn đầu thế giới về sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua triển lãm Sáng tạo Thụy Điển, chúng tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam, trao đổi những giải pháp và sáng tạo cho tương lai”.

Ứng dụng thiết thực

Triển lãm Sáng tạo Thụy Điển trưng bày những sáng tạo mới nhất trong công nghệ thông tin - truyền thông, khoa học sự sống, công nghệ sạch và trò chơi điện tử do 20 công ty mới khởi nghiệp phát triển.

Ở đây, có thể thấy rõ những sáng tạo của công nghệ Thụy Điển mang lại những giá trị to lớn nếu được đưa vào Việt Nam. I-Tech (www.i-tech.se) đã phát triển Selektope - một hợp chất hữu cơ tổng hợp có tác dụng ngăn ngừa các sinh vật vỏ cứng có hại dưới nước, đồng thời tác động tối thiểu lên các sinh vật biển khác. Công nghệ này khiến các con hàu không thể bám lên bề mặt thân tàu. Hay giải pháp vệ sinh cá nhân an toàn Peepoople (www.peepoople.com) là túi vệ sinh cá nhân dùng một lần, có tác dụng làm sạch chất bài tiết sau khi vệ sinh, ngăn ngừa chất bài tiết gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Sau khi sử dụng, chất urê trong Peepoople sẽ vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh. Peepoople không gây mùi hôi trong ít nhất 12 giờ sau khi sử dụng, có thể phân hủy hoàn toàn.

Và những sáng tạo công nghệ của Thụy Điển khác có thể kể đến như vật liệu thông minh OrganoClick (www.organoclick.com), cho phép tận dụng tốt hơn những vật liệu tái tạo có nguồn gốc cellulose như gỗ, giấy, vải... giúp những vật liệu này không thấm nước và có độ bền cao. Hay như hệ thống lọc nước bằng năng mặt trời Solvatten (www.solvatten.se). Một thùng Solvatten chứa được 10 lít nước, vỏ bên ngoài được làm bằng nhựa đen để hấp thu nhiệt hiệu quả và thùng được thiết kế mở để có thể dẫn năng lượng mặt trời vào bên trong. Có một đồng hồ hiển thị khi nào nước an toàn và có thể uống được... Các sáng tạo công nghệ trình diễn tại triển lãm, đều có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.

"Cuộc triển lãm đã khơi gợi trong tôi suy nghĩ về vai trò của các trường đại học Việt Nam trong hệ thống sáng tạo ở thế kỷ này. Trường đại học là đòn bẩy, là lò nung những phát kiến và ý tưởng phục vụ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Trường đại học phải là nơi tạo ra những phát kiến, sáng tạo xã hội để giải quyết những vấn đề toàn cầu và địa phương như đói nghèo, bất bình đẳng và ô nhiễm môi trường. Tôi hy vọng rằng sự cộng tác giữa doanh nghiệp Thụy Điển và các trường đại học Việt Nam sẽ đem lại một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người"
TS BÙI TRÂN PHƯỢNG
Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen

Nguồn: SGGP

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả