SpStinet - vwpChiTiet

 

Mở rộng các hoạt động tiết kiệm năng lượng có hiệu quả trên toàn quốc

Đó là các hoạt động được đánh giá là thành công lớn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: chương trình dán nhãn năng lượng, cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng (TKNL), truyền thông nâng cao nhận thức về TKNL...

Thông tin được tổng kết tại hội nghị TKNL toàn quốc lần thứ VII do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 17/10/2014 tại Tiền Giang.
 
Ông Đặng Huy Cường – Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LV.

Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2010, trong đó Bộ Công thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình. Thông qua chương trình này, Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan đã chủ trì tổ chức xây dựng khung chính sách để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình giai đoạn 2012 – 2015 có mục tiêu giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc (tương đương 11 triệu – 17 triệu tấn dầu quy đổi).

Ông Trịnh Quốc Vũ (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương) cho biết, một trong những thành công lớn của Chương trình là hoàn thiện chính sách thúc đẩy sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp, thực hiện thông qua chương trình dán nhãn năng lượng. Đến hết tháng 6/2014, Bộ Công thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn, gồm máy thu hình, thiết bị chiếu sáng, quạt điện, máy lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy biến áp phân phối...
 

Triển lãm giới thiệu các sản phẩm TKNL tại hội nghị, Ảnh: LV.

Nhiều hoạt động truyền thông TKNL cũng được tổ chức trên toàn quốc: cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng, phong trào sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện, sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng hầm khí sinh học biogas, cuộc thi quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà, giải báo chí toàn quốc về TKNL, chiến dịch Giờ trái đất...

Các hoạt động này mang lại hiệu quả đáng kể. Ví dụ, trước đây toàn quốc sử dụng 55-60 triệu bóng đèn sợi đốt, đến nay chỉ còn khoảng 6 triệu bóng, thay vào đó là 30 triệu bóng compact, huỳnh quang, led tiết kiệm điện năng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi các hoạt động, chương trình TKNL tiếp tục được đẩy mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm làm TKNL, Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm TKNL TP. HCM) cho hay, hoạt động TKNL là quá trình diễn ra âm thầm, đi từ nhỏ đến lớn và vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng. Hiện nay, hoạt động này đã có sự chuyển biến rõ rệt và mạnh mẽ, trong đó có đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí. Trước đây, máy nước nóng năng lượng mặt trời chỉ được tiêu thụ khoảng 5.000 bộ mỗi năm nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, mức tiêu thụ này tăng lên đến 50.000 bộ/năm. Chi phí năng lượng tại các khách sạn lớn ở các thành phố lớn cũng có những chuyển biến lớn nhờ tích cực thay các bóng đèn, máy điều hòa có công nghệ TKNL. Điều này không chỉ góp phần TKNL, phát triển bền vững mà còn thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ về TKNL…

Tuy vậy, theo ông Vũ, còn nhiều khó khăn đặt ra cho hoạt động TKNL, như việc cấp kinh phí cho Chương trình còn hạn chế và giao thực hiện Chương trình còn chậm; doanh nghiệp không có vốn, hoặc không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi…

Để đẩy mạnh hoạt động này, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiến hành nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các trung tâm TKNL; đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng; tăng cường thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; mở rộng mạng lưới các trung tâm, tư vấn… Bênh cạnh đó, thời gian tới tiếp tục mở rộng các hoạt động, mô hình có hiệu quả TKNL như phối hợp với Bộ KH&CN tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn dán nhãn năng lượng; đẩy mạnh truyền thông TKNL; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm (giấy và bột giấy, nhựa và chất dẻo, công nghiệp đồ uống...); tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các đơn vị, thiết bị dán nhãn năng lượng; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ TKNL hiệu suất cao…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả