SpStinet - vwpChiTiet

 

Trường viện cần cởi mở hơn để doanh nghiệp tìm đến hợp tác R&D

Sự phối hợp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp và trường viện sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên thực tập, và cũng là cơ sở để cải tiến hoặc thiết kế mới chương trình đào tạo.

Ngày 30/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm tháng 9, với chủ đề “Công nghệ Robotics trong cách mạng công nghiệp 4.0” và “Ứng dụng IoT, AI cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Đây là hoạt động hàng tháng, thuộc chuỗi Sự kiện kết nối sáng tạo năm 2020, được triển khai nhằm trao đổi thông tin về nhu cầu công nghệ, giới thiệu những công nghệ “mới ra lò” (đang ở quy mô phòng thí nghiệm), “kéo” doanh nghiệp lại gần với trường Đại học – Viện nghiên cứu (trường, viện) để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, mở lối ra thực tiễn cho hoạt động giáo dục – đào tạo của trường viện.

Ông Phạm Văn Xu (Trưởng phòng Quản lý Khoa học) cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang tiếp tục hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với trường, viện để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, với giải pháp ưu tiên hỗ trợ đến 30% kinh phí cho các đề tài đầu tư nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy, theo quy định hiện hành, kết quả của dự án sẽ được ưu tiên giao quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) cho cơ quan chủ trì đề tài mà không phát sinh phần vốn sở hữu của Nhà nước. Đây là chính sách giúp doanh nghiệp liên tục đổi mới, gia tăng năng lực cạnh tranh khi có sự đầu tư tăng cường sức mạnh về khoa học, công nghệ..

Ngoài vấn đề đổi mới và làm chủ công nghệ ở doanh nghiệp, sự phối hợp nghiên cứu khoa học giữa doanh nghiệp và trường, viện còn tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên thực tập, làm quen với điều kiện làm việc thực tế và việc triển khai ứng dụng sau những buổi học lý thuyết trên giảng đường. Từ nhu cầu của doanh nghiệp, trường, viện cũng có cơ sở để cải tiến hoặc thiết kế mới chương trình đào tạo.

Các bên trao đổi thẳng thắn, vui vẻ nhằm đưa doanh nghiệp đến gần trường viện.

Từ góp ý về việc doanh nghiệp thường tìm đến cá nhân giảng viên (hoặc nhóm giảng viên) để hợp tác R&D, các bên đã cùng thảo luận và thống nhất một số kết luận chung:

Thứ nhất, trường, viện hiện đang thiếu trung tâm trình diễn công nghệ để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp không biết trường viện đang có công nghệ gì, và có đáp ứng được nhu cầu không.

Thứ hai, việc hợp tác với các viện, trường cũng nảy sinh nhiều rắc rối, do doanh nghiệp phải “chạy lòng vòng”, vừa tốn thời gian vừa chưa rõ hiệu quả.

Thứ ba, các giảng viên cũng có thể có được tư cách pháp nhân nên có thể ký kết hợp tác với doanh nghiệp bằng hình thức doanh nghiệp – doanh nghiệp, nên dễ phân chia lợi ích và sẵn sàng các thủ tục pháp lý khi cần thiết.

Do đó, để thực sự kết nối doanh nghiệp với các trường, viện thì bản thân các trường, viện cần thay đổi phương thức kết nối với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và cởi mở hơn trong cách tiếp xúc, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả