SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 16/7, tại Saigon Innovation Hub (SIHUB), Cục Công tác phía Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải (Trung Quốc) tổ chức Diễn đàn “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thượng Hải - Trung Quốc” nhằm chia sẻ chính sách quản lý và hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp; một số kinh nghiệm khởi nghiệp và ươm tạo thành công của Việt Nam và Trung Quốc; trao đổi, hợp tác kết nối mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với Thượng Hải.

Trong ngày 16/7, các chuyên gia của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Thượng Hải (STIC), Ủy ban KH&CN Thượng Hải chia sẻ về các chính sách quản lý và hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp hiệu quả của Thượng Hải và Trung Quốc, xoay quanh các nội dung: toàn cảnh ươm tạo công nghệ của Trung Quốc; chính sách hỗ trợ tài chính – công nghệ của Thượng Hải; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ của Thượng Hải; chính sách quản lý vườn ươm công nghệ; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thượng Hải; mạng lưới hợp tác đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cũng chia sẻ một số kinh nghiệm khởi nghiệp thành công; trao đổi, hợp tác kết nối mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với Thượng Hải.

Chuyên gia phía Trung Quốc chia sẻ về chính sách ươm tạo và hỗ trợ tài chính, công nghệ của Thượng Hải. Ảnh: LV.

Theo đại diện của STIC, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và hoạt động hỗ trợ từ các vườn ươm, trung tâm ươm tạo cũng phát triển tương xứng. Các trung tâm này có vai trò xúc tiến, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, chuyển giao các thành quả KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về cơ sở vật chất, không gian văn phòng cho các hoạt động nghiên cứu R&D và sản xuất thử nghiệm, kết nối đầu tư, đào tạo kiến thức chuyên ngành, tư vấn pháp luật, kế hoạch thương mại, phát triển thị trường, quản lý, tiếp thị, các chuyên gia, người hướng dẫn về tài chính, ngân hàng, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm rủi ro và tăng tỷ lệ phát triển sau ươm tạo.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận với chuyên gia Trung Quốc tại diễn đàn. Ảnh: LV.

Đáng chú ý, các trung tâm ươm tạo được chính phủ Trung Quốc đầu tư vốn từ 35–40%, còn lại là xã hội hóa. Đây là một dạng đầu tư mạo hiểm, nhằm chọn được những doanh nghiệp tốt để phát triển, ngược lại có thể chấp nhận rủi ro, thất bại.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện quản lý dự án Mini-giant của Thượng Hải (dự án hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành kỹ thuật) cho biết, dự án có thể hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 1 tỷ nhân dân tệ, tập trung cho các chủ thể khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghệ hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp hàng đầu. Theo thống kê, từ 2006–2018 có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký xin tài trợ từ dự án này, và được chấp thuận khoảng 180 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được chấp thuận tài trợ phải đáp ứng các quy định và hệ thống đánh giá luôn được cải cách, điều chỉnh, thay đổi. Công cụ đánh giá doanh nghiệp xin tài trợ dựa vào tình hình kinh doanh, khả năng cạnh tranh, năng lực sáng tạo, khả năng đóng góp cho xã hội, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp đó. Ngoài được tài trợ tài chính, các doanh nghiệp được chấp thuận còn được lên Sàn chứng khoán Thượng Hải, qua đó tăng thu nhập, lợi nhuận và cơ hội phát triển.

Đại điện Công ty Hải Yến Nha Trang chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp thành công. Ảnh: LV.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Công ty Hải Yến Nha Trang đã chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp thành công sau 6 năm hoạt động. Hải Yến được Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Yến sào Nha Trang” từ tháng 3/2017, bảo chứng cho chất lượng sản phẩm và nguồn gốc cho sản phẩm yến sào nguyên chất từ tổ chim yến nuôi trong nhà; được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ từ tháng 3/2015. Hiện nay, Hải Yến Nha Trang là doanh nghiệp tiên phong trong xuất khẩu yến sào sang các thị trường nước ngoài, điển hình là thị trường Đài Loan.

Để đạt được những thành quả như trên, Hải Yến luôn chú trọng yếu tố chất lượng sản phẩm thông qua tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động; nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất và bảo quản sản phẩm; mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài; phát triển tinh thần khởi nghiệp với các thế hệ sinh viên sắp tốt nghiệp.  

Trong khuôn khổ của diễn đàn, ngày 17/7 diễn ra hoạt động tham quan thực tế và trao đổi học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi, TP.HCM) và Công ty Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả