SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhiều ý tưởng, sản phẩm mới về công nghệ chế biến sau thu hoạch

Ngày 12/4, tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” năm 2019. Có 30 đề tài tham gia trưng bày, giới thiệu ý tưởng, sản phẩm thuộc hai nhóm là nhóm các đề tài khoa học thực phẩm – dinh dưỡng và nhóm các đề tài công nghệ chế biến thực phẩm và đồ uống.

Nhóm công nghệ chế biến thực phẩm – đồ uống gồm 13 đề tài nghiên cứu các quy trình tạo ra các sản phẩm mới về thực phẩm và đồ uống như: nghiên cứu chế biến nước Jelly kiwi bổ sung hạt vi bao tảo Spirulina, rượu vang lên men từ vỏ và ruột của 2 loài thanh long (Hylocereus undatusHylocereus polyrhizus), sốt tỏi đen, snack lá lốt, nước thanh long cô đặc, sữa chua tiểu mạch thảo, sản phẩm giảm đau từ tinh dầu (gừng),…

Vòng chung kết với phần trưng bày giới thiệu ý tưởng sản phẩm thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Ảnh: LV.

Nhóm khoa học thực phẩm – dinh dưỡng gồm 17 đề tài, tập trung vào các nghiên cứu tăng giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm như: nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất trà hòa tan lá sen, nghiên cứu quy trình chế biến bột khoai lang trắng và ứng dụng chế biến bánh mì bột nhào chua, nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh ứng dụng trong việc bảo quản nông sản, đánh giá khả năng kháng nấm mốc Aspergilus niger của màng bao có bổ sung nano đồng và ứng dụng trong bảo quản táo, đánh giá khả năng kháng nấm mốc Colletotrichum gloeosporioides của màng bao có bổ sung nano đồng và ứng dụng trong bảo quản xoài, nghiên cứu và phát triển sản phẩm bột rau đắng hòa tan chứa hợp chất sinh học triterpen saponin,...

Trưng bày sản phẩm sữa chua tiểu mạch thảo. Ảnh: LV.

Cuộc thi đã lập 2 hội đồng khoa học chấm điểm các đề tài và trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba cùng 5 giải khuyến khích cho các đề tài chất lượng và có tiềm năng phát triển. Trong đó, giải nhất thuộc về đề tài “Nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh ứng dụng trong việc bảo quản nông sản” của sinh viên Bùi Thị Khánh Linh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM). Sản phẩm của đề tài này là màng sinh học chitosan (có nguồn gốc từ vỏ tôm cua) được biến tính với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh, nâng cao khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn, giúp cho việc bảo quản nông sản dễ dàng hơn, giảm chi phí bảo quản. Sản phẩm hướng đến nguồn nguyên liệu từ tự nhiên để bảo quản nông sản, ngăn chặn nấm mốc, đốm thâm, giữ được độ xanh tươi của nông sản, có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường.

Sản phẩm cao dán và bình xịt giảm đau từ tinh dầu (gừng tươi). Ảnh: LV.

Cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” năm 2019 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Cuộc thi nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm thiết kế mang tính sáng tạo, đột phát trong bảo quản, đóng gói bao bì sản phẩm và chế biến sau thu hoạch nông sản; là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện khả năng thiết kế, sáng tạo ở lĩnh vực bao bì, đóng gói sản phẩm nông nghiệp và những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch. Với đối tượng tham gia là sinh viên, học viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, học viện, các nhà thiết kế trẻ làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp thiết kế trên địa bàn TP.HCM, cuộc thi đã nhận được 64 đề tài của 16 đơn vị tham gia.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả