SpStinet - vwpChiTiet

 

Sở KHCN TP.HCM xây dựng quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế.

Ngày 8/9/2020, Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP.HCM (CESTI) phối hợp cùng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM) tổ chức buổi hội thảo giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng "Quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ" được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, chủ trì buổi hội thảo.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), chủ trì buổi hội thảo, cho biết, tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình, khó quản lý, nhưng có nhiều tiềm năng khai ứng dụng, cần phải có một quy trình rõ ràng, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể có liên quan với nhau, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khuyến khích các nhà nghiên cứu xem xét các cơ hội có thể để khai thác tài sản trí tuệ; cung cấp một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo; cân bằng các lợi ích xung đột khác nhau của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động khoa học và công nghệ; đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành.

Nếu xây dựng tốt quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ kể trên thì sẽ tạo điều kiện phục vụ tích cực cho công tác quản lý sở hữu trí tuệ tại Sở KHCN TP.HCM cũng như các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.”, bà Bùi Thanh Bằng khẳng định.

Theo bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM), trong khuôn khổ quản lý nhà nước, các kết quả nghiên cứu được gọi là tài sản (có thể là tài sản trí tuệ hoặc là sản phẩm (tài sản thông thường) được tạo lập ra từ tài sản trí tuệ tồn tại dưới dạng hữu hình hoặc vô hình) khi thỏa những điều kiện theo quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp" thì đều cần phải được quản lý. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được thể hiện thành 2 dạng gồm: dạng sản phẩm hữu hình, thiết bị thử, nguyên mẫu; dạng sản phẩm trí tuệ ghi nhận dưới dạng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó Phòng Quản lý Khoa học (Sở KHCN TP.HCM) giới thiệu 10 bước thực hiện trong quy trình.

Theo dự thảo, quy trình thực hiện quản lý tài sản trí tuệ đối với một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trải qua 10 bước:

- Bước 1: Đăng ký nhiệm vụ/đặt hàng thực hiện nhiệm vụ và tra cứu thông tin. Nội dung đề nghị tra cứu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm có các thông tin cơ bản như: tên cá nhân/tổ chức đề nghị tra cứu, thông tin về nhiệm vụ cần tra cứu, các nội dung cụ thể cần tra cứu. CESTI là đơn vị có chức năng tra cứu thông tin theo quy định, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị - cá nhân có nhu cầu.

- Bước 2: Tổ chức xét duyệt/tuyển chọn (đặt hàng hoặc theo ý tưởng của các tổ chức/cá nhân). Trong quá trình tổ chức xét duyệt/tuyển chọn cơ quan quản lý phải thực hiện cam kết bảo mật thông tin đối với những cá nhân/tổ chức tham gia xét duyệt/tuyển chọn (nội dung cam kết bao gồm những nội dung chủ yếu như: cam kết bảo mật các thông tin được cung cấp tại cuộc họp, nội dung cam kết bảo mật, ký cam kết).

- Bước 3: Ghi nhận, xác lập quyền đối với các kết quả nghiên cứu (ký kết hợp đồng) theo dự đoán ban đầu. Thực hiện ghi nhận các tài sản trí tuệ dự kiến vào phần mềm/file danh mục quản lý tài sản trí tuệ.

- Bước 4: Cam kết của người tham gia nghiên cứu, gồm có các thông tin cơ bản như thông tin người cam kết, tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tên tổ chức chủ trì, vai trò của người cam kết (chủ nhiệm, tác giả,…), nội dung cam kết (là những nghĩa vụ đối với thông tin mật và tài sản trí tuệ mới của người tham gia nghiên cứu), danh mục các thông tin cần bảo mật.

- Bước 5: Ghi nhận, xác lập quyền tài sản trí tuệ. Sau khi ghi nhận, đại diện chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ thực hiện các thủ tục xác lập (nếu có) theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ.

- Bước 6: Nghiệm thu, cam kết bảo mật khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu cần). Sau khi kết thúc nhiệm vụ (kết quả được nghiệm thu hoặc thanh lý khi chưa kết thúc nhiệm vụ), các bên liên quan phải thực hiện cam kết bảo mật thông tin.

- Bước 7: Đăng ký thông tin kết quả nhiệm vụ (trong đó có tài sản trí tuệ) thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014.

- Bước 8: Xử lý tài sản trí tuệ sau nghiệm thu. Cách xử lý được mô tả chi tiết tùy theo từng trường hợp khác nhau, ví dụ như tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách cấp hoặc tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngân sách hỗ trợ. Trường hợp không thuộc thẩm quyền, Sở KHCN TP.HCM đề xuất phương án giao quyền cho tổ chức khác trình UBND Thành phố xem xét.

- Bước 9. Ký kết thanh lý hợp đồng, thực hiện theo mẫu Biên bản thanh lý ban hành kèm theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc theo quy định ban hành của cơ quan quản lý nhiệm vụ.

- Bước 10. Theo dõi và quản lý tài sản trí tuệ hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo các quy định hiện hành. Đánh giá hiệu quả ứng dụng sau 3 năm, hoặc sau khoảng thời gian giao (hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội…).

Các bảng biểu, tờ khai, cam kết bảo mật, hợp đồng… nhằm ghi nhận, thống kê và xác lập tài sản trí tuệ cần thiết cũng được đề xuất trong quy trình.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất điều chỉnh một số nội dung quy trình để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các đơn vị. Đại biểu Nguyễn Minh Huỳnh Trang chia sẻ về quy trình khép kín trong thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ tại Đại học Bách Khoa TP.HCM nhằm hạn chế tiết lộ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đại biểu Lâm Vỹ Nguyên cho biết, để tạo động lực cho nhân sự nghiên cứu khoa học và công nghệ thành công, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM áp dụng tỷ lệ chia sẻ gấp đôi so với mức tối thiểu luật định, khi thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ.

Đại biểu đóng góp ý kiến cho quy trình.

Giải đáp một số thắc mắc của đại biểu về việc chuyển giao tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách cho doanh nghiệp, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KHCN TP.HCM) khẳng định, quy trình chuyển giao hiện nay chỉ bất cập ở khâu thu hồi kinh phí (do khó thẩm định giá). Riêng các tài sản trí tuệ có tỷ lệ ngân sách hỗ trợ dưới 30% thì không có vấn đề gì.

Để xây dựng quy trình ghi nhận, xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ, nhóm soạn thảo đã cố gắng đơn giản hóa các quy trình – biểu mẫu phức tạp, đồng thời kết hợp sáng tạo Nghị định 70/2018/NĐ-CP với Thông tư 15/2014/TT-BKHCN, hướng dẫn từng bước cụ thể và đảm bảo tuân thủ quy định của nhà nước.

Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI cho biết, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (Techport.vn) vẫn tiếp tục hỗ trợ công bố thông tin giới thiệu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ để doanh nghiệp có nhu cầu có thể tìm và liên hệ trực tiếp với các đơn vị - nhóm tác giả thực hiện, đồng thời, hỗ trợ kết nối cung - cầu nhằm đẩy mạnh thương mại hóa, chuyển giao công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả