SpStinet - vwpChiTiet

 

Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng hệ thống canh tác thông minh trong Nông nghiệp 4.0: nhiều cánh cửa rộng mở

Nông nghiệp 4.0: hàm số của Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh; Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng IoT trong nông nghiệp trên cơ sở sáng chế quốc tế; Sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP; Xe phun thuốc điều khiển từ xa; UAV dùng trong nông nghiệp và Hệ thống kiểm soát và kết nối thông tin chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là những nội dung được giới thiệu, thảo luận trong buổi báo cáo giới thiệu "Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng hệ thống canh tác thông minh trong Nông nghiệp 4.0" sáng 27/9/2017 tại 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM

Nông nghiệp 4.0 ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng trong nội bộ và với bên ngoài đơn vị. Các thành phần đặc trưng chủ yếu của nông nghiệp 4.0 là: Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors); Công nghệ LED; Người máy (robots); Tế bào quang điện (Solar cells); Thiết bị bay không người lái (Drones) và vệ tinh; Canh tác trong nhà/hệ thống trồng cây-nuôi cá tích hợp/Thủy (khí) canh và Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech).

Báo cáo của CESTI về tình hình nghiên cứu ứng dụng IoT trong nông nghiệp đến tháng 8/2017 cho thấy, đã có 15.376 sáng chế công bố tại 21 quốc gia và 2 tổ chức sáng chế quốc tế (WO) và Châu Âu (EP). Trong đó, Trung Quốc vẫn là quốc gia nổi lên hàng đầu, chiếm tỉ lệ 85,87% lượng sáng chế được công bố. Các hướng nghiên cứu ứng dụng IoT trong nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (76,42%) là "theo dõi, kiểm soát trồng trọt".

Báo cáo của ThS. Nguyễn Văn Hòa từ Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) cho thấy, việc tổ chức sản xuất lúa gạo theo mô hình bền vững SRP tại các vùng nguyên liệu Tân Hồng, Vĩnh Bình và Thoại Sơn đã có nhiều kết quả khả quan: Lượng giống gieo sạ trung bình giảm; chi phí thuốc BVTV, chi phí phân bón giảm, giá bán gạo tăng, giảm ô nhiễm môi trường sản xuất. Lợi nhuận tăng thêm bình quân 1,78 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Một nghiên cứu khác của Tập đoàn Lộc Trời về ứng dụng công nghệ cao, với sự kết hợp các biện pháp canh tác cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, tưới tiêu, bón phân,...đến thu hoạch, tồn trữ và chế biến cho thấy, chi phí sản xuất có thể giảm được 7,1%, giá bán tăng 8,1%, số lần phun thuốc BVTV giảm 15%, lợi nhuận tăng thêm bình quân 3,39 triệu đồng/ha/vụ. Với khoảng 4 triệu ha diện tích gieo trồng hàng năm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu áp dụng theo hướng công nghệ cao có thể gia tăng lợi nhuận lên đến 13.560 tỉ đồng.

Tại sự kiện, xe phun thuốc điều khiển từ xa do ông Trần Quốc Tuấn (Châu Phú, An Giang) chế tạo cũng được giới thiệu. Đây là thiết bị có trọng lượng nhẹ (75kg), điều khiển từ xa đến 300 m bằng hệ thống điều khiển 6 kênh, khá cơ động trong vận hành, ít làm hư hại lúa trong quá trình làm việc, dễ dàng vận chuyển, thuốc phun đều,...Theo ông Lê Hồ Minh Thiện (Trạm Khuyến nông Châu Phú, An Giang), xe phun thuốc này không chỉ phù hợp với các hộ gia đình có từ 2-10 ha đất trồng lúa khai thác sử dụng, mà còn có thể tính toán cho các hoạt động dịch vụ phun thuê.

Ngoài ra, hai giải pháp công nghệ cao phục vụ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp cũng được ông Kiều Văn Tú, Công ty CP Đại Thành giới thiệu, đó là thiết bị bay không người lái (drone) và hệ thống kiểm soát và kết nối thông tin chuỗi giá trị Agricheck.

Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, thu hút gần 70 đại biểu từ 14 tỉnh thành khu vực phía Nam quan tâm tham dự.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả